Làm rõ đặc trưng, giá trị di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL vừa cho ý kiến góp ý vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, Bộ VHTT&DL nhận được Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 28/6/2024 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc đề nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp (gọi chung là Quy hoạch).

Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Ảnh: BQL
Sau khi xem xét Quy hoạch và tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, Hội đồng thẩm định, Bộ VHTT&DL có ý kiến, về nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 3/11/2021. UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ Quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu đặc trưng, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của di tích, gắn với nhiều loại hình di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc… của nền văn hóa Óc Eo, với đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân ta, cũng như các lễ hội có liên quan... Thông qua đó, đã xác định được yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần được thể hiện trong Quy hoạch.
Để hoàn thiện nội dung Quy hoạch, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ Quy hoạch. Cụ thể, bổ sung thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt.
Phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch cần tập trung vào các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích hiện trạng và khu vực lân cận di tích có liên quan, không nên là toàn bộ diện tích huyện Tháp Mười.
Về quan điểm, mục tiêu và định hướng Quy hoạch, cần bám sát nội dung Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 3/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch. Ý tưởng chung là cần giữ được giá trị cốt lõi của di tích về khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan, với sự đa dạng các loại hình công trình: đền thờ, chùa tháp, nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ...
Bộ VHTT&DL cũng lưu ý, nội dung phân tích, đánh giá hiện trạng di tích cần bám sát quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 166/2028/NĐ-CP. Trong đó, cần làm rõ hơn đặc trưng, giá trị di tích, các điểm di tích thành phần cấu thành di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng.
Quy hoạch cần làm rõ định hướng, giải pháp bảo tồn giá trị đặc trưng về khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật của di tích; tôn tạo, điều chỉnh các công trình hiện hữu và lựa chọn giải pháp xây dựng công trình mới cho phù hợp; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ lưỡng về tổ chức không gian, nội dung và quy mô xây dựng trong khu vực bảo vệ II để tránh ảnh hưởng đến giá trị, cảnh quan di tích.
Đối với Bảo tàng Đồng Tháp Mười, Quy hoạch cần có định hướng tổ chức không gian cho công trình này, về dự kiến nội dung trưng bày, hoạt động của bảo tàng, quy mô diện tích, ý tưởng kiến trúc, cảnh quan.
Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan liên quan giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành và thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện nội dung và thành phần hồ sơ theo đúng quy định gửi Bộ VHTT&DL nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trích dẫn
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt.

Bộ VHTT&DL yêu cầu kiểm tra việc phá dỡ cổng di tích quốc gia đền Đuổm
Kinhtedothi - Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có Công văn số 226/DSVH-DT gửi Sở VHTT&DL Thái Nguyên yêu cầu kiểm tra, có biện pháp xử lý việc cổng di tích quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương bị phá dỡ.

Công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đề nghị thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Lăng
Kinhtedothi – Bộ VHTTDL đề nghị thông báo rộng rãi nội dung tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới các hạng mục còn lại khu vực 1 di tích lịch sử đền Lăng (tỉnh Hà Nam) trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận.