Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ vụ hỗ trợ tiền dịch tả lợn châu Phi tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số 132, ngày 9/6/2020 có bài “Vụ hỗ trợ tiền dịch tả lợn Châu Phi tại xã Đốc Tín: Sớm ban hành kết luận thanh tra”, phản ánh việc ông Lương Quốc Việt ở xã Đốc Tín cho rằng UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chi trả, hỗ trợ tiền lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi chưa đúng quy định.

 Kết luận số 100/KL-UBND của UBND TP khẳng định rõ một số nội dung  ông Việt tố cáo lãnh đạo huyện Mỹ Đức là không có cơ sở.
Để sớm ổn định tình hình, ngày 21/8/2020, UBND TP đã ban hành kết luận số 100/KL-UBND về nội dung tố cáo lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức có hành vi thực hiện chính sách thanh toán, chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi cho hộ ông Việt không đúng quy định. 
Cụ thể, sau khi phát hiện có lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã cho tiêu hủy và hỗ trợ đợt 1 cho 39 con lợn thương phẩm của hộ ông Việt và ông Việt đã nhận tiền, không có khiếu kiện. Đến đợt 2 phải tiêu hủy 28 con lợn (18 lợn nái và 10 lợn con đang theo mẹ) với tổng trọng lượng 5.342kg cũng của nhà ông Việt. UBND huyện và UBND xã đã thực hiện việc tiêu hủy về cơ bản đúng quy trình tiêu hủy lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi (thời điểm tiêu hủy ngày 25/4/2019).
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ và Quyết định số 07/2019QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP thì hộ ông Việt có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy vào ngày 25/4/2019 được hỗ trợ 38.000 đồng/kg (không phân biệt lợn nái, lợn thương phẩm). Trước đó, ngày 20/5/2019, UBND TP có văn bản số 2089/UBND-KT quy định mức hỗ trợ tại thời điểm lợn bị tiêu hủy: Đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi sau ngày 20/5/2020 mới áp dụng lợn nái = 1,8 x 0,8 x đơn giá thị trường. Do đó, công dân cho rằng Chủ tịch UBND huyện khi phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho nhà ông Việt đã không nhân với hệ số 1,8 theo quy định mà chỉ trả 38.000 đồng/kg nhân với hệ số 1 như với lợn thương phẩm là không có cơ sở. Như vậy, nội dung tố cáo là sai.
Kết luận còn nêu, căn cứ theo Mục 1 Thông báo 57/TB-UBND ngày 6/3/2019 của UBND TP quy định thời gian thanh toán cho các hộ chậm nhất không quá 7 ngày kể từ ngày tiêu hủy. Tuy nhiên, đến ngày 20/5/2019 Phòng Tài chính Kế hoạch mới có tờ trình số 207/TTr-TCKH về việc xin hỗ trợ kinh phí cho các hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi bị tiêu hủy bắt buộc, trong đó có nhà ông Việt. Nhưng đến ngày 21/5/2019, Chủ tịch UBND huyện mới ra Quyết định số 984/QĐ-UBND hỗ trợ tiền cho ông Việt có 28 con lợn bị tiêu hủy (chậm 19 ngày tính đến ngày có quyết định hỗ trợ). Đây là nguyên nhân dẫn đến việc công dân cho rằng đối với 18 con lợn nái của gia đình phải được hệ số 1,8 theo quy định tại văn bản 2089/UBND-KT. Trách nhiệm tồn tại trên thuộc về Phòng Tài chính Kế hoạch huyện.
Qua đó, UBND TP giao cho Ban Tiếp công dân TP niêm yết công khai kết luận nội dung tố cáo tại trụ sở Tiếp công dân theo quy định. Đồng thời, giao cho Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch kiểm điểm, rút kinh nghiệm về thiếu sót nêu tại kết luận. Bên cạnh đó, giao cho Thanh tra TP theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND TP kết quả thực hiện.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, sau khi TP ban hành kết luận, ông Việt có đơn khiếu nại nội dung trong kết luận. Qua đó, ngày 3/11/2020 UBND TP có văn bản số 9567/VP-KT giao cho Thanh tra TP cùng Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, UBND huyện Mỹ Đức rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc. Qua đó, tổ liên ngành các sở nhận thấy quá trình giải quyết của chính quyền địa phương đã đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.