Làm sao phát hiện rối loạn nội tiết tố?

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các triệu chứng của một rối loạn nội tiết khác nhau và phụ thuộc vào các tuyến cụ thể liên quan.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, hầu hết những người bị bệnh nội tiết thường phàn nàn hay gặp tình trạng mệt mỏi và suy nhược. Nếu bạn bị các triệu chứng này kéo dài, bạn nên đến chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Hệ thống nội tiết

Các tuyến nội tiết đều tiết một loại nội tiết tố cụ thể vào máu, đi khắp cơ thể. Những nội tiết tố này đi qua máu đến các tế bào, giúp kiểm soát hoặc phối hợp nhiều quá trình hoạt động chuyển hóa trong cơ thể.

Các tuyến nội tiết chính bao gồm:

Tuyến thượng thận: Hai tuyến trên đầu quả thận tiết ra nội tiết tố cortisol.
Vùng dưới đồi: Vùng não dưới nằm ở giữa, điều khiển tuyến yên khi nào cần tiết ra nội tiết tố.

Buồng trứng: Cơ quan sinh sản các nội tiết tố nữ giúp phóng noãn (trứng), chuẩn bị buồng tử cung khi mang thai và sản xuất nội tiết tố giới tính.

Tế bào đảo tụy trong tuyến tụy: Các tế bào trong tuyến tụy kiểm soát các nội tiết tố insulin và glucagon.

Cận giáp: Bốn tuyến nhỏ ở cổ đóng một vai trò trong sự phát triển xương.

Tuyến tùng: Một tuyến được tìm thấy gần trung tâm của não có thể sản xuất nội tiết tố điều khiển giấc ngủ.

Tuyến yên: Một tuyến tìm thấy ở đáy não đằng sau các xoang. Nó thường được gọi là "tuyến chủ" bởi vì ảnh hưởng nhiều tuyến khác, đặc biệt là tuyến giáp. Tuyến yên gặp vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, và quá trình tiết sữa mẹ.

Tinh hoàn: Các tuyến sinh sản nam giới sản xuất tinh trùng và nội tiết tố tình dục.

Tuyến ức: Một tuyến ở ngực giúp phát triển hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay ở những năm đầu đời.

Tuyến giáp: Một tuyến hình bướm ở mặt trước của cổ kiểm soát sự trao đổi chất.

Những trục trặc, dù vô cùng nhỏ, trong các chức năng của một hoặc nhiều tuyến nội tiết có thể phá hủy sự cân bằng tinh tế của nội tiết tố trong cơ thể và dẫn đến rối loạn nội tiết, hoặc bệnh nội tiết.

Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết thường được chia thành hai loại:

- Bệnh nội tiết là kết quả khi một tuyến sản sinh ra quá nhiều hoặc quá ít nội tiết tố, được gọi là một sự mất cân bằng nội tiết tố.

- Bệnh nội tiết do các tổn thương tiến triển (chẳng hạn như các nốt hoặc khối u) trong hệ thống nội tiết, có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố.

Hệ thống thông tin phản hồi của các tuyến nội tiết giúp kiểm soát sự cân bằng nội tiết trong máu. Nếu cơ thể của bạn có quá nhiều hoặc quá ít của một nội tiết tố nhất định, hệ thống này sẽ phát ra tín hiệu để các tuyến nội tiết khắc phục sự cố. Mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra nếu hệ thống thông tin phản hồi này có vấn đề.

Mức tăng hoặc giảm nội tiết hormone có thể do:

- Hệ thống phản hồi (feedback) nội tiết có vấn đề.

- Dấu hiệu của một loại bệnh nào đó.

- Tuyến nội tiết này gặp trục trặc có thể kích thích tuyến khác giải phóng hoặc ngừng sản xuất nội tiết tố (ví dụ, vùng dưới đồi gặp vấn đề có thể làm gián đoạn sản xuất nội tiết tố của tuyến yên).

- Một rối loạn di truyền, chẳng hạn như nhược giáp bẩm sinh hoặc tân sinh đa tuyến nội tiết (MEN, multiple endocrine neoplasia) - dẫn đến các loại bướu nội tiết khác nhau (carcinoma tuyến giáp, u tuyến ức và tăng nặng tuyến cận giáp tiên phát).

- Nhiễm trùng.

- Một tuyến nội tiết bị tổn thương.

- Tuyến nội tiết bị khối u: Hầu hết các khối u và các nốt ở tuyến nội tiết không phải ung thư. Chúng thường không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, một khối u hoặc hạch trên tuyến có thể gây trở ngại cho sản xuất nội tiết tố của tuyến.

Các loại bệnh do rối loạn nội tiết

Có rất nhiều loại khác nhau của các rối loạn nội tiết. Bệnh tiểu đường là rối loạn nội tiết phổ biến nhất được chẩn đoán ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Rối loạn nội tiết khác bao gồm:

Suy thượng thận: Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó chịu dạ dày, mất nước, và sự thay đổi da.

Bệnh Cushing: Tuyến yên sản xuất dư thừa nội tiết tố dẫn đến tuyến thượng thận hoạt động quá mức. Một tình trạng tương tự được gọi là hội chứng Cushing có thể xảy ra ở những bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, khi dùng thuốc corticosteroid liều cao.

Bệnh khổng lồ (acromegaly) và các vấn đề rối loạn nội tiết tố tăng trưởng khác: Nếu tuyến yên sản xuất quá nhiều nội tiết tố tăng trưởng, xương và các bộ phận cơ thể của một đứa trẻ có thể phát triển nhanh bất thường. Nếu nồng độ nội tiết tố tăng trưởng quá thấp, một đứa trẻ có thể ngừng phát triển chiều cao.

Cường giáp: Tuyến giáp sản xuất quá nhiều nội tiết tố tuyến giáp, dẫn đến sụt cân, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, và căng thẳng.

Suy giáp: Các tuyến giáp không sản xuất đủ nội tiết tố, dẫn đến mệt mỏi, táo bón, da khô, và trầm cảm. Tuyến hoạt động kém có thể gây ra chậm phát triển ở trẻ em. Một số loại suy giáp xuất hiện khi trẻ vừa sinh ra, gọi là suy giáp bẩm sinh.

Suy tuyến yên: Có thể khiến phụ nữ không có kinh nguyệt.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Sản xuất quá nhiều androgen ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng. PCOS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh ở nữ giới.

Dậy thì sớm: Bất thường dậy thì sớm xảy ra khi các tuyến “báo động giả” khiến nội tiết tố tình dục giải phóng quá sớm.

Xét nghiệm phát hiện rối loạn nội tiết

Xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra mức độ nội tiết tố của bạn có thể giúp các bác sĩ xác định xem bạn có bị rối loạn nội tiết hay không. Chẩn đoán hình ảnh có thể giúp xác định vị trí hoặc xác định một nốt hoặc khối u.

Điều trị rối loạn nội tiết có thể phức tạp, như thay đổi tuyến này có thể ảnh hưởng đến tuyến khác. Bác sĩ hoặc chuyên gia có thể yêu cầu xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra các vấn đề hoặc để xác định phác đồ dùng thuốc hoặc điều trị của bạn cần phải được điều chỉnh.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần