Làm thế nào mời luật sư bảo vệ con trong vụ án bạo hành?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Câu hỏi

Con tôi 9 tuổi, là nạn nhân trong vụ án bạo hành. Tôi muốn mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con tôi thì làm thế nào?

Trả lời

Khi trẻ em là bị hại trong vụ án hình sự bạo hành, việc lựa chọn người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là rất quan trọng. Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là trẻ em phải có kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn về quy trình tố tụng thân thiện dành cho trẻ em, phải có kỹ năng làm việc với trẻ em là bị hại và người nhà của bị hại.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Theo quy định tại Điều 10, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC 1. Người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi: Luật sư; Trợ giúp viên pháp lý; Bào chữa viên nhân dân; Người khác.

Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, trường hợp bị hại trong vụ án hình sự là người dưới 18 tuổi thì bị hại hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ có quyền nhờ những người được quy định tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi. Trường hợp không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thì có thể làm văn bản đề nghị Tòa án yêu cầu Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Hà Nội

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần