Lấn át Mỹ, quốc gia nào có mạng lưới ngoại giao rộng nhất toàn cầu?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc có dấu ấn ngoại giao lớn hơn Mỹ ở Châu Phi, Đông Á và các đảo Thái Bình Dương, trong khi Washington ghi điểm ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Á.

Theo một nghiên cứu mới do Lowy - viện nghiên cứu có trụ sở tại Australia, Trung Quốc đang sở hữu mạng lưới ngoại giao sâu rộng nhất thế giới, theo sát là Mỹ, trong bối cảnh hai siêu cường, đồng thời là đối thủ kinh tế cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu.

Cụ thể, Bắc Kinh và Washington lần lượt xếp thứ 1 và thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu năm 2024 của Viện Lowy, được công bố hôm 25/2, và đang dẫn đầu trong “cơn sốt ngoại giao” tới khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương bao gồm các quốc đảo nhỏ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay trong cuộc gặp tại Hội nghị An ninh Munich, ở Munich, Đức, ngày 16/2/2024. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt tay trong cuộc gặp tại Hội nghị An ninh Munich, ở Munich, Đức, ngày 16/2/2024. Ảnh: AP

Báo cáo cho biết Bắc Kinh có dấu ấn ngoại giao sâu rộng hơn Mỹ ở Châu Phi, Đông Á và các đảo Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện hiệu quả ở khu vực Đông Á, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, viện nghiên cứu có trụ sở tại Sydney cho biết.

Cuộc khảo sát của Viện Lowy cũng ghi nhận tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn của Washington ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Á, với số lượng cơ quan ngoại giao tương đương với Bắc Kinh ở Trung Đông và Nam Mỹ.

“Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu thế giới, ở một mức độ nào đó, về quy mô mạng lưới ngoại giao. Bắc Kinh dẫn đầu Chỉ số với 274 điểm trong mạng lưới toàn cầu, theo sát là Washington với 271,” Viện Lowy cho biết trong báo cáo.

“Sự vươn lên vị trí hàng đầu của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng. Năm 2011, Bắc Kinh tụt hậu so với Washington tới 23 chức vụ ngoại giao. Đến năm 2019, Trung Quốc đã vượt Mỹ về việc có mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới. Vào năm 2021, Trung Quốc đã tiến xa hơn, dẫn trước Mỹ 8 vị trí, nhưng đến năm 2023, khoảng cách lại thu hẹp so với Trung Quốc chỉ dẫn trước 3 vị trí.”

Chỉ số này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các cơ quan ngoại giao ở các đảo Thái Bình Dương, nơi được hai siêu cường hàng đầu thế giới coi là đồng minh địa chính trị quan trọng. Báo cáo của Viện Lowy cho biết, kể từ năm 2017, khu vực Thái Bình Dương là nơi có tốc độ nhanh nhất các quốc gia bên ngoài thúc đẩy thành lập các cơ quan ngoại giao tại đó.

Ryan Neelam, giám đốc Chương trình Chính sách đối ngoại và Ý kiến công chúng tại Viện Lowy, cho biết: “Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu cho thấy các chính phủ tiếp tục đầu tư vào ngoại giao để thể hiện sức mạnh và đạt được lợi ích của mình”.

“Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được thể hiện qua sự thống trị của các siêu cường trong bảng xếp hạng năm 2024, trong khi cạnh tranh địa chính trị đã đẩy châu Á và Thái Bình Dương vào tâm điểm”.

Chỉ số này được ra mắt vào năm 2016. Năm 2024, chỉ số bao gồm mạng lưới ngoại giao của 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, Nhóm 20 quốc gia và thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Dữ liệu để đánh giá Chỉ số được thu thập trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2023.