Lặn biển - Nghề “đánh cược” với tử thần

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm ngồi trên xe lăn, nhưng hình ảnh ngậm ống hơi dạo dưới đáy biển, xung quanh là san hô rực rỡ sắc màu vẫn trở về chập chờn trong những giấc mơ của người từng là thợ lặn. Ngậm ngùi, khắc khoải!

Lằn ranh sinh tử

Chuyện xảy ra đã hơn 15 năm, nhưng bà Trần Thị Khuyên (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn nhớ như in ngày con trai gặp nạn. Năm đó, anh Nguyễn Vui - con trai bà, vừa tròn 25 tuổi. Trong một lần lặn ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, anh Vui gặp sự cố giảm áp và được đưa vào bệnh viện Hải Phòng cấp cứu trong tình trạng liệt nửa thân dưới.

Bà Trần Thị Khuyên kể lại hành trình chạy chữa để cứu đôi chân của con trai.
Bà Trần Thị Khuyên kể lại hành trình chạy chữa để cứu đôi chân của con trai.

Từ Lý Sơn, bà Khuyên vượt biển vào đất liền, khăn gói ra Hải Phòng. Đằng đẵng 17 tháng trời, người mẹ không quản xa xôi, tốn kém, đưa con đi khắp các bệnh viện lớn từ Bắc chí Nam để tìm cách cứu lấy đôi chân.

“Vui còn quá trẻ, không thể gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn, nhưng đến đâu các bác sĩ cũng lắc đầu. Thôi thì đành chấp nhận” - bà Khuyên u buồn, nhớ lại.

Có những chuyến ra khơi lặn hải sâm, anh Vui từng được chia 40 triệu đồng. Thu nhập cao cùng cảm giác chinh phục biển cả như có ma lực khiến anh bất chấp nguy hiểm luôn chực chờ để mải mê với những chuyến khơi. Thế nhưng chỉ sau 2 năm, chàng ngư dân trẻ cao lớn với những ca lặn kéo dài ở độ sâu hơn 60m bị biển quật ngã. Chuyến lặn định mệnh năm ấy, tử thần nơi biển sâu không thắng được anh, nhưng cũng cướp đi của anh một nửa cơ thể.

Từ năm 25 tuổi, cuộc đời anh Vui đã phải gắn chặt với chiếc xe lăn.
Từ năm 25 tuổi, cuộc đời anh Vui đã phải gắn chặt với chiếc xe lăn.

Thức dậy với đôi chân không thể cử động, anh Vui thấy mình như mất tất cả. Cú sốc này đối với anh thật không dễ gì vượt qua được. “Từng ngang dọc khắp các vùng biển, giờ lại gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn, hụt hẫng khủng khiếp. Lúc đó, nếu không có mẹ chắc cũng chẳng thiết sống” - anh Vui chìm vào suy tư.

Thời gian và tình yêu của mẹ như liều thuốc an thần giúp anh Vui dần nguôi ngoai. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, anh cũng tìm được cho mình một việc làm phù hợp. Nhưng nỗi nhớ biển khơi cùng đôi chân lành lặn vẫn trở về trong giấc mơ.

“Có những lúc mơ thấy mình ngậm ống hơi đi dạo dưới đáy biển. Ngoài đó san hô đẹp lắm…!” - anh Vui nhìn ra hướng biển, tiếng thở dài nén sâu trong lồng ngực khe khẽ buông ra theo câu nói lửng lơ.

Sinh nghề, tử nghiệp

Sau lần “chết hụt” vào cuối tháng 6/2022, ông Dương Tập (50 tuổi) dứt khoát từ bỏ nghề lặn biển sau hơn 20 năm gắn bó để tìm kiếm công việc khác.

“Đêm đó đi lặn biển với bạn thuyền ở vùng biển ven bờ đảo Lý Sơn. Lúc lặn sâu khoảng 30m thì máy tạo oxy bị hư. Tui may mắn được cứu sống sau 2 giờ trôi dạt trên biển. Người bạn lặn cùng thì mất tích, đến nay vẫn không tìm thấy ” - ông Tập buồn thiu.

Ông  Dương Tập "giải nghệ" sau 20 năm làm thợ lặn.
Ông  Dương Tập "giải nghệ" sau 20 năm làm thợ lặn.

Lặn biển khai thác hải sản mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân so với các nghề khác. Ngư dân khi lặn sẽ mang thắt lưng chì nặng 10kg, ngậm ống thở nối với máy cung cấp oxy rồi lao xuống biển. Chỉ với trang bị đơn giản như thế, những thợ lặn ở Lý Sơn có thể chinh phục độ sâu từ 50 - 60m.

Tuy nhiên, do ngư dân hành nghề này sử dụng thiết bị lặn thô sơ, phương tiện công suất nhỏ, lao động trên thuyền xa bờ thì khoảng 15 người, còn ven bờ thì 2 - 3 người, nên khi máy nén khí hư hỏng, ống dẫn khí bị đứt, hoặc dông gió bất thường thì người lặn khó tránh khỏi tai nạn.

Với thiêt bị thô sơ, thợ lặn biển phải đối diện với nhiều nguy hiểm.
Với thiêt bị thô sơ, thợ lặn biển phải đối diện với nhiều nguy hiểm.

“Sống nhờ cái máy không à. Máy ổn định thì khỏe, mà có trục trặc gì thì nguy hiểm. Sống hay chết là phụ thuộc vào nó chứ không phải vào mình” - anh Đặng Quang Vương - một thợ lặn biển Lý Sơn chia sẻ.

Sâu trong lòng biển, áp suất vô cùng lớn, chỉ cần máy cung cấp oxy gặp sự cố hoặc trồi lên mặt biển quá nhanh, người lặn sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Vô cùng may mắn thì vẫn trở lại được với nghề, còn thường thì sẽ tàn tật, thậm chí mất mạng giữa biển khơi.

“Muốn làm nghề lặn à, không khó lắm, quan trọng nhất là phải liều mạng” - anh Đặng Dư (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cười nhẹ.

Một thợ lặn vào ca.
Một thợ lặn vào ca.

11 năm gắn bó với nghề lặn biển, anh Dư không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến lặn bắt hải sâm, ốc vú nàng. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng một tháng. Chỉ cần may mắn, mỗi người có thể kiếm được 20 - 30 triệu đồng. Nhưng cái giá của mức thu nhập tưởng chừng “trong mơ” thời ấy lại không hề rẻ, có khi đánh đổi bằng cả sinh mạng.

Trong một lần lặn biển ở độ sâu hơn 50m ở vùng biển Hoàng Sa, máy oxy gặp sự cố, vừa cảm nhận luồng khí lạnh ập đến, anh cùng bạn lặn cuống cuồng bám dây ra hiệu để được kéo lên. Trước khi rơi vào hôn mê, anh Dư vẫn kịp nhìn thấy bạn mình buông dây hơi chìm xuống đáy biển. Lần đó, anh Dư được cứu, bạn anh thì không tìm thấy xác.

 

Theo thống kê, huyện đảo Lý Sơn có khoảng 600 tàu với 1.200 ngư dân hành nghề lặn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, tại huyện đảo Lý Sơn có khoảng 100 trường hợp bị tai biến do giảm áp, trong đó có nhiều người tử vong. Nghề lặn mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng lắm rủi ro vì thợ lặn phần lớn làm việc trong điều kiện trang bị thô sơ, được đào tạo, hiểu về kỹ thuật lặn rất ít. 

Dù ám ảnh và sợ hãi, nhưng khi sức khỏe tạm bình ổn, anh Dư lại tiếp tục trở lại với đáy biển và bình lặn. Chỉ có điều, may mắn lúc nào không phải cũng mỉm cười với anh. Trong một chuyến biển, kết thúc giảm áp sau 30 phút lặn, anh Dư lên tàu tắm nước ngọt chuẩn bị ăn trưa. Bỗng chân anh nhói lên, cơ thể như có dòng điện chạy qua, anh khuỵu xuống, rơi vào vô thức.

Anh Dư được bạn thuyền cạy miệng cho ngậm dây hơi rồi thả xuống biển ở độ sâu khoảng 10m. Áp suất nước ở độ sâu này sẽ giúp hạn chế tối đa tai biến. 6 giờ ngâm mình dưới biển, tình trạng của anh Dư vẫn không được cải thiện. Mọi người quyết định đưa anh về bờ chữa trị.

Sau một năm ngược xuôi khắp nơi, anh Dư chấp nhận về nhà với đôi chân không còn lành lặn. Kể từ đó, những ngày nắng đẹp, anh thường ra bờ biển nhìn về phía những con tàu vươn khơi... Nỗi nhớ biển và khát vọng vươn khơi vẫn chưa thôi âm ỉ.

Những ngày nắng đẹp, anh Đặng Dư thường đi ra bờ biển, hướng mắt nhìn về phía những con tàu vươn khơi.
Những ngày nắng đẹp, anh Đặng Dư thường đi ra bờ biển, hướng mắt nhìn về phía những con tàu vươn khơi.

“Bao nhiêu người chết hụt với nghề lặn nhưng rồi lại quay lại với nghề. Ngư dân Lý Sơn gắn với biển từ bé, nên dù biết nguy hiểm nhưng vẫn đi, không đi thì nhớ biển, nhớ Hoàng Sa, Trường Sa. Nó như cái nghiệp bám lấy mình” - anh Dư trầm tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần