70 năm giải phóng Thủ đô

Làn gió mới cho nước Pháp

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến thắng của ứng viên Emmanuel Macron vừa giúp nước Pháp có vị Tổng thống trẻ nhất từ trước tới nay.

Việc ông Macron “tiến bước” thành công vào Điện Élysée là sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong nền chính trị Pháp, mang niềm hy vọng về một làn gió mới cho quốc gia châu Âu này.

Ở tuổi 39, ông Emmanuel Macron đã có chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử Pháp 2017, đánh bại phe trung tả, trung hữu và cả cực hữu vốn nổi lên với làn sóng dân túy để giành được chiếc ghế Tổng thống. Từng là trợ lý cho Tổng thống Francois Hollande, ông Macron sau đó giữ chức Bộ trưởng Kinh tế; từ một nhân viên ngân hàng trở thành chính trị gia trung lập với chương trình cấp tiến để cắt giảm khu vực tư. Tân chủ nhân Điện Élysée cũng lách khỏi những nỗ lực “dán nhãn” ông là một “Francois Hollande” thứ hai, thay vào đó hướng tới sự mới mẻ hơn.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Gác nỗi lo “Frexit”

Giới phân tích đánh giá Tổng thống đắc cử Pháp là “người gặp thời”. Ông Macron tự nhận có quan điểm chính trị trung dung, không thuộc cánh tả, cánh hữu và cũng chưa từng là thành viên của 2 đảng truyền thống là Xã hội và Những người Cộng hòa. Người dân Pháp thất vọng vì trong suốt một thập kỷ thay nhau nắm quyền vừa qua, cả hai đảng Xã hội (PS) của cựu Tổng thống Francois Hollande lẫn đảng Những người Cộng hòa (LR) của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy đều không tạo được những thay đổi cần thiết để đất nước vượt qua những khó khăn của đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Họ chọn ông Macron, một ứng viên chưa tròn 40 tuổi vì sự mới mẻ của quan điểm trung dung, không tả cũng chẳng hữu, như một làn gió mới cho nước Pháp.

Chiến thắng của ông Macron cũng trở nên rộng mở hơn kể từ khi đối thủ nặng ký vòng đầu từ phe trung hữu, cựu Thủ tướng Francois Fillon vấp phải bê bối tạo công việc “khống” cho người thân. Trái ngược hoàn toàn với tư tưởng bài ngoại, chống nhập cư, chống EU… của đối thủ Marine Le Pen, ông Macron nổi lên với thông điệp lạc quan từ chiến dịch tranh cử mang tư tưởng toàn cầu hóa. Trong khi chiến dịch của ông là “vũ đài nhạc pop tươi sáng”, thì khung cảnh quen thuộc trong các cuộc vận động của bà Le Pen là cộng đồng người phản đối ném phá, cảnh sát phải trấn an và bao vây bởi những người giận dữ, theo nhà báo Pháp Emily Schultheis.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, nhiều lãnh đạo châu Âu đã lập tức gửi lời chúc mừng tới ông Macron và cam kết sẽ tích cực hợp tác cùng tân Tổng thống Pháp. Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, Paris là một trong những đồng minh thân cận nhất của London, và bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Pháp trong hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này giữ cho nước Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu”. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng đến tân chủ nhân Điện Élysée. Các lãnh đạo châu Âu có lý do để “thở phào” trước chiến thắng của chính trị gia trẻ. Mối lo của châu Âu về việc Pháp sẽ nối gót Anh thực hiện Frexit (Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu) đã được gác lại cũng như quan ngại về làn sóng dân túy đang trỗi dậy trên toàn cầu giảm bớt.

Chiến thắng của "Obama nước Pháp"

Ông Macron nổi lên như một ứng viên trẻ trung, có sức thu hút với một chiến dịch tràn đầy năng lượng và tích cực về tương lai của Pháp. Nhiều người đã ví von ông Macron là "Obama của nước Pháp". Sự tích cực trong chiến dịch tranh cử của ông Macron khiến nhiều người gợi nhớ đến luồng gió mới từ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008. Bên cạnh đó, với tên gọi “Tiến bước” (En March), chiến dịch của cựu Bộ trưởng Kinh tế cũng có nét tương đồng trong việc kêu gọi sự đoàn kết để thay đổi xã hội như chiến dịch tranh cử “Chúng ta có thể” (Yes We Can) của ông Obama. 

Dấu ấn đầu tiên của ông là triển khai Cuộc diễu hành Lớn (Grande Marche), huy động số lượng hùng hậu các nhà hoạt động ít kinh nghiệm nhưng đầy nhiệt huyết đến gõ cửa khoảng 300.000 căn nhà trên toàn nước Pháp để lắng nghe nguyện vọng họ muốn gửi tới Tổng thống tương lai. Chiến dịch sử dụng phương thức giống cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng thực hiện trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Các tình nguyện viên không chỉ gửi tờ rơi mà còn thực hiện 25.000 cuộc phỏng vấn sâu với các cử tri trên toàn quốc. Những thông tin này góp phần xây dựng một cơ sở dữ liệu quy mô và hữu ích để ông Macron từ đó hình thành các chính sách và ưu tiên trong cương lĩnh tranh cử. 

Kế hoạch cải cách kinh tế tham vọng

Nước Pháp đã trải qua một thập niên tăng trưởng chậm, thất nghiệp gia tăng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đi xuống. Từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande vào năm 2014, ông Macron mang tới cho người dân niềm hy vọng giải quyết vấn đề này. Tổng thống mới đắc cử Emmanuel Macron đã cam kết cải tổ lại thị trường lao động, đơn giản hóa hệ thống thuế cũng như xem xét cắt giảm các quy định mà ông cho là ảnh hưởng đến sự tiến bộ đổi mới của đất nước. Chương trình cải tổ kinh tế của ông Macron được kết hợp nghiên cứu và soạn thảo cùng cựu Giám đốc cơ quan nghiên cứu Bruegel, ông Jean-Pisani Ferry. Theo đó, kế hoạch này hướng đến việc cắt giảm lao động hành chính công và linh động kéo dài thời gian làm việc trong tuần để gia tăng năng suất.

Tuy nhiên, “làn gió mới” mang tên Emmanuel Macron cũng sẽ gặp phải những “thách thức mới”. Nước Pháp hiện đang bị chia rẽ gay gắt giữa một bên là toàn cầu hóa, chấp nhận làn sóng nhập cư với bên kia là chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ. Hơn nữa, dù chiến thắng ứng viên mang tư tưởng bài ngoại Marine Le Pen, nguy cơ phong trào dân túy trỗi dậy vẫn đe dọa Paris. Trong chiến dịch tranh cử, khảo sát cho thấy gần một nửa số cử tri muốn nước Pháp có vai trò to lớn hơn trong các quyết định kinh tế của châu Âu. Điều này cho thấy quan điểm dân tộc và bảo hộ đang ngày một lớn lên tại Pháp. Có thể nói, chính sách cải tổ của ông Macron hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có. Tuy nhiên, nếu không thể thuyết phục người dân Pháp chấp nhận tiếp tục ở lại EU, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa, tân Tổng thống có thể sẽ phải đối mặt và thất bại trước một đối thủ có quan điểm tương tự  như bà Le Pen vào 5 năm sau.

Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng, theo đó cắt giảm thuế DN từ 33% xuống 25%; giảm thuế bất động sản cho phần lớn người dân Pháp; giảm 60 tỷ Euro (64 tỷ USD) chi tiêu công hàng năm bằng cách cải tổ bộ máy hành chính, xem xét tinh giảm khoảng 120.000 công chức nhà nước; tăng cường chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp và đàm phán lại việc đóng góp, chi tiêu ngân sách của EU cùng với Đức.