Đáng chú ý là một số công ty/cơ sở sản xuất có thể phải bán cho DN nước ngoài.
Khó khăn chồng chất
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý III/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Hiện nay, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Nguyên nhân của sụt giảm đơn hàng chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh...
Ngoài ra, xuất nhập khẩu gặp lao đao do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của DN tại các thị trường quốc tế. Trong đó, nguyên nhân là do giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng, dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Đặc biệt, thời gian qua, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều DN Việt Nam tăng cao; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”.
Không chỉ thiếu đơn hàng, các DN còn phải đối mặt với việc thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do dòng tiền của các DN đã cạn sau hơn 2 năm dịch bệnh. Theo nghiên cứu của Ban IV, hiện DN ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều DN phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo. DN nông nghiệp cũng thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023.
DN sản xuất vật liệu xây dựng còn bi đát hơn, bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu.
“Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của DN có nguy cơ bị bán tháo. Thậm chí, thông tin từ DN, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của DN Việt cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thách thức không chỉ với DN Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô” - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy nói.
Vượt khó bằng cách nào?
Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi, đặc biệt với các DN tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn, Ban IV đề nghị Chính phủ tập trung vào các giải pháp chính. Theo đó, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19, như chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Ngoài ra, để duy trì niềm tin của DN vào môi trường đầu tư, kinh doanh, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của DN khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện; đồng thời tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết DN.
Cuối cùng, đối với thách thức liên quan thị trường tài chính, Chính phủ cần tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho DN và nền kinh tế, như cho phép các NHTM trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Bởi lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho DN ở nhiều ngành, lĩnh vực, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho DN nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực DN.