Lan toả văn hoá đọc từ thư viện cộng đồng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hơn nửa năm đi vào hoạt động, Thư viện Mạnh An (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) đang dần trở thành điểm đến sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các em nhỏ. Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến thăm quan khi địa phương phát triển mô hình điểm du lịch nông thôn.

Thư viện Mạnh An tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) là điểm đến sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các em nhỏ. Ảnh: Tùng Nguyễn
Thư viện Mạnh An tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) là điểm đến sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các em nhỏ. Ảnh: Tùng Nguyễn

Mở ra cánh cửa tri thức

Từ cổng làng Đại Lan (xã Duyên Hà), đi chừng 500m về phía sông Hồng sẽ đến Thư viện Mạnh An. Thư viện được xây dựng có tầm nhìn hướng ra sông. Mùa này, cây trái và rau màu của bà con đang vào độ thu hoạch, xanh ngút tầm mắt.

Ghé thăm Thư viện Mạnh An cuối tuần qua, chúng tôi bắt gặp hàng chục em nhỏ đang chăm chú đọc sách. Em Đặng Tiến Đạt (học sinh lớp 6A1 trường THCS Duyên Hà) nói rằng, từ khi biết đến thư viện, hầu như cuối tuần nào em cũng ghé qua chơi.

“Ở trường cũng có thư viện nhưng số lượng đầu sách không nhiều và phong phú như ở đây. Đến thư viện, cháu có nhiều lựa chọn để tham khảo, vừa giải trí, vừa bổ sung thêm kiến thức bên ngoài chương trình sách giáo khoa…” - Em Đặng Tiến Đạt chia sẻ.

Cũng giống như Đặng Tiến Đạt, Thư viện Mạnh An đã trở thành điểm đến hàng tuần thú vị của em Nguyễn Ngọc An (học sinh lớp 4A trường Tiểu học Duyên Hà). “Em rất thích đọc sách, nhưng do ở xa trung tâm thành phố nên không phải lúc nào cũng được bố mẹ đưa lên những phố sách của Hà Nội để thăm quan…” - Ngọc An cho hay.

Từ khi có Thư viện Mạnh An, Tiến Đạt, Ngọc An và nhiều em nhỏ nơi vùng đất nằm ven sông Hồng đã có thêm một điểm đến cho những ngày cuối tuần. Không chỉ được tiếp cận với hơn 2.000 đầu sách, phong phú về thể loại, các em còn được trải nhiệm không gian vườn hoa, cây xanh được bài trí xinh đẹp; gặp gỡ, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa.

Cô Triệu Thị Minh Thắng - Hiệu trưởng trường THCS Duyên Hà cho biết, phát triển văn hoá đọc được nhà trường hết sức quan tâm. Hiện nay, lượng đầu sách tại thu viện nhà trường vẫn được tiếp tục gia tăng. Với Thư viện Mạnh An, cô Thắng mong muốn các em học sinh nói chung trên địa bàn xã sẽ có thêm một cánh cửa mở ra tri thức, một điểm đến lành mạnh, bổ ích trong những ngày Hè sắp tới.

Lan toả văn hoá đọc

Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động miễn phí từ tháng 10/2022, tuy nhiên, Thư viện Mạnh An đã và đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn. Thư viện đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, tiếp cận thông tin bổ ích không chỉ cho các em nhỏ mà còn đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Anh Phạm Văn Hiếu - Quản lý Thư viện Mạnh An cho biết, ở thư viện hiện tại có khoảng 2.000 đầu sách, báo, tạp chí. Bên cạnh các loại sách về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ, sách thiếu nhi, truyện tranh, Thư viện Mạnh An còn có hàng trăm đầu sách tra cứu như bách khoa toàn thư, từ điển, niên giám, sổ tay, cẩm nang…

Để thuận lợi cho việc tra cứu, thư viện bố trí phòng truy cập internet. Cơ sở dữ liệu điện tử được tìm kiếm dễ dàng thông qua website: http://manhan.thuvien.edu.vn. Điều này giúp người dân, nhất là các em nhỏ dễ dàng tiếp cận thông tin mong muốn.

Cũng theo anh Phạm Văn Hiếu, Thư viện Mạnh An có thể hình thành, đáp ứng miễn phí nhu cầu tiếp cận tri thức của các em nhỏ như hiện nay là có sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Trong đó, riêng Công ty CP Sách và thiết bị trường học Hà Nội đã ủng hộ thư viện khoảng 1.000 ấn phẩm các loại.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Thị Duyên Huyên đánh giá, Thư viện Mạnh An có ý nghĩa lớn, không chỉ ở việc lan toả văn hoá đọc trong giới trẻ mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Đây cũng là mục tiêu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Cũng theo bà Huyên, địa phương đang kỳ vọng phát triển xã Duyên Hà thành một điểm du lịch nông thôn. Trong đó, Thư viện Mạnh An có thể là một điểm đến thăm quan trong hành trình du lịch cộng đồng. Để hiện thực hoá được mục tiêu này, rất cần sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, thông qua những việc làm cụ thể, giống như những gì ban quản lý Thư viện Mạnh An đang nỗ lực gây dựng.

Trọng Tùng

 

Mạnh An là tên tự của danh nhân văn hoá Nguyễn Như Đổ, một nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà giáo dục nổi tiếng thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì). Việc lấy tên Thư viện là Mạnh An không chỉ để tri ân danh nhân Nguyễn Như Đổ mà còn hướng đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…
Anh Phạm Văn Hiếu, Quản lý Thư viện Mạnh An.