“Lan tỏa Vinh xưa - Hà Nội 2022"

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/10, tại Hà Nội, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã kết hợp với Diễn đàn "Vinh xưa" tổ chức sự kiện “Lan tỏa Vinh xưa - Hà Nội 2022” với mục đích để khơi dậy cảm hứng “Vinh xưa”, cùng trăn trở phát triển “Vinh nay”.

Sự kiện thu hút hơn 140 người yêu Vinh tại Hà Nội tham gia, trong đó có có Anh hùng lực lượng vũ trang Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, Tạ Quang Ngọc, Lê Doãn Hợp; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương; Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức, nhà báo Thanh Phong, viện sĩ Ngô Xuân Bính, các doanh nhân, các nhà nghiên cứu...

Lần đầu công bố tư liệu lịch sử quý về Vinh

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Nghệ An Lê Doãn Hợp cho biết: “Sự kiện “Lan tỏa Vinh xưa - Hà Nội 2022” được tổ chức tại Cafe AZ 175 Tây Sơn, Hà Nội từ 10/10 đến 16/10/2022. Ban tổ chức đã trưng bày 50 bức ảnh tư liệu quý về diện mạo Vinh thời Pháp thuộc, công chiếu chiếu phim tư liệu “Về thăm đất Nghệ” (sản xuất năm 1965) và “Những tay súng Thành Vinh” (sản xuất  năm 1971) của Điện ảnh quân đội”.

Tại Cafe AZ 175 Tây Sơn, Hà Nội từ 10/10 đến 16/10/2022, Ban tổ chức đã trưng bày 50 bức ảnh tư liệu quý về diện mạo Vinh thời Pháp thuộc. Ảnh AT
Tại Cafe AZ 175 Tây Sơn, Hà Nội từ 10/10 đến 16/10/2022, Ban tổ chức đã trưng bày 50 bức ảnh tư liệu quý về diện mạo Vinh thời Pháp thuộc. Ảnh AT

“Hôm nay, chúng ta sẽ được nghe “nhà Vinh học” Phạm Xuân Cần trình bày về diện mạo thành Vinh từ năm 1804 từ khâu quy hoạch, lịch sử, công nghiệp, văn hóa, giáo dục... đây là những tư liệu quý, sau hơn 20 năm nghiên cứu, lần đầu tiên được Admin diễn đàn “Vinh xưa” công bố”.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, Vinh không chỉ có cơ sở hạ tầng đô thị khá hoàn thiện, các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại và quy mô tầm cỡ Đông Dương (nhà máy Diêm Bến Thủy, nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy gỗ, nhà máy điện Bến Thủy, nhà máy đồ hộp Lapique…), Vinh còn là đô thị của trí thức, là trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa, báo chí, thể thao của cả vùng. Đặc biệt, Vinh đã từng là một đô thị đa văn hóa, với tỷ lệ người nước ngoài, người ngoại tỉnh đến đầu tư, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp rất cao.

Vinh đã được người Pháp quy hoạch thành khu đô thị công nghiệp. Cách đây, gần 100 năm sản lượng điện sản xuất của Vinh chiếm 50% của Trung Kỳ; Vinh tiêu thụ điện chiếm 25% sản lượng toàn Trung Kỳ; gấp hơn 2 lần Đà Nẵng; gấp 7 lần Thanh Hóa; gấp 8 lần... “Vương quốc Lào”. Những con số khiến khá nhiều người đã từng sinh ra và lớn lên ở Vinh bất ngờ.

Nhà "Vinh học" Phạm Xuân Cần lần đầu công bố tư liệu quý về lịch sử  hình thành và phát triển thành phố Vinh. Ảnh AT
Nhà "Vinh học" Phạm Xuân Cần lần đầu công bố tư liệu quý về lịch sử  hình thành và phát triển thành phố Vinh. Ảnh AT

Tham dự hoạt động, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động chia sẻ: “Tôi đã 97 tuổi nhưng hôm nay đến đây như được sống lại những năm tháng gắn bó với thành phố này. Đến dự “Lan tỏa Vinh xưa - Hà Nội 2022” tôi mới biết thêm về thành phố đã từng được quy hoạch và phát triển trong quá khứ một cách bài bản, khoa học như thế nào. Đến nay, nhiều lĩnh vực phát triển đô thị vẫn còn giá trị, chúng ta cần phải tiếp thu, nghiên cứu để Vinh ngày càng phát triển hơn”.

Ban tổ chức sự kiện đã tiến hành đấu giá bức tranh "Thiếu nữ Nghệ và hoa" của nữ họa sĩ Đặng Phương Linh (người Vinh) để ủng hộ đồng bào Kỳ Sơn bị bão lụt. Phó Chủ tịch Tập đoàn AZ Nguyễn Thành Chung đã thắng cuộc với giá 20 triệu đồng. Điều bất ngờ là người thắng cuộc đã tặng bức tranh cho CEO Lê Thành Lê (Công ty Quạt Phương Linh) người về nhì (trả giá 15 triệu đồng).

Kết quả, hai doanh nhân xứ Nghệ này đã ủng hộ 35 triệu đồng, số tiền sẽ được chuyển cho Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội trao tặng đồng bào vùng lũ lụt Kỳ Sơn ngày 22/10 tới. Khá nhiều người tham gia sự kiện cũng chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt Kỳ Sơn, trong đó, vợ cố Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương đã ủng hộ sự kiện 5 triệu đồng

Ban tổ chức đã bán đấu giá bức tranh "Thiếu nữ Nghệ và hoa" được 35 triệu đồng, ủng hộ đồng bào Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh AT
Ban tổ chức đã bán đấu giá bức tranh "Thiếu nữ Nghệ và hoa" được 35 triệu đồng, ủng hộ đồng bào Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh AT

Mong muốn được chung tay

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức chia sẻ, mong muốn Hội đồng hương tại Hà Nội và Diễn đàn “Vinh xưa” sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư thủ tục để tái dựng lại diện mạo một phần TP Vinh như trong quá khứ mà mọi người vừa được nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần trình bày.

“Tôi không sinh ra và lớn lên tại Vinh nhưng có nhiều người thân trong gia đình gắn bó với thành phố này, qua tuần lễ sự kiện “Lan tỏa Vinh xưa- Hà Nội 2022” càng thấy yêu Vinh và mong muốn được chung tay làm một điều gì đó”, nhà báo Nguyễn Minh Đức nói.

“Lan tỏa Vinh xưa- Hà Nội 2022” là sự kiện lần thứ 2 mà Ban quản trị Diễn đàn Vinh xưa (với 40 nghìn thành viên) tổ chức tại Hà Nội, được đánh giá là thành công ngoài mong đợi. Cùng với các chương trình giao lưu văn nghệ, thưởng thức ẩm thực xứ Nghệ “Lan tỏa Vinh xưa- Hà Nội 2022”  thực sự đã trở thành ngày hội của cộng đồng người xứ Nghệ tại Hà Nội.