Làng làm bột gạo trăm năm tuổi ở Sa Đéc

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Sa Đéc không chỉ là thủ phủ hoa của Miền Tây mà ở đây còn nổi tiếng với làng làm bột gạo truyền thống hơn 100 năm. Nằm bên dòng Sa Giang, làng bột gạo Sa Đéc nổi tiếng nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng riêng biệt khó có nơi nào sánh kịp.

Làng nghề hơn 100 năm

Ông Nguyễn Văn Nương (72 tuổi, ngụ xã Tân Phú Đông) cho biết, nghề làm bột gạo Sa Đéc có khoảng hơn 100 năm nay, hiện tại làng bột gạo Tân Phú Đông có khoảng 52 thành viên làm bột gạo. Nghề làm bột của gia đình ông đã trải qua 4 thế hệ, cha truyền con nối.

Nghề làm bột gạo hơn 100 năm tại Sa Đéc nức tiếng trong và ngoài nước nhờ nguồn nước. Ảnh Hữu Tuấn
Nghề làm bột gạo hơn 100 năm tại Sa Đéc nức tiếng trong và ngoài nước nhờ nguồn nước. Ảnh Hữu Tuấn

Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết: Làng bột đầu tiên ra đời ở Sa Đéc nằm tại xã Tân Phú Đông, về sau lan ra các xã Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, phường 2,… trong thời điểm cực thịnh. Có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề bột, phát triển mạnh nhất vẫn là xã Tân Phú Đông.

Nghề làm bột gạo hơn 100 năm của làng bột gạo Sa Đéc. Clip: Hữu Tuấn

Tuy nhiên, theo những thông tin từ những người cao niên trong làng bột Sa Đéc cho biết, không ai biết chính xác thời điểm làng bột ra đời là từ lúc nào chỉ biết rằng, từ thời xa xưa, với sẵn nguồn nguyên liệu lúa gạo dồi dào, trong lúc nông nhàn, những nông dân Sa Đéc đã sáng tạo ra cách làm bột, để từ đó làm thành các loại bánh, sợi cho phong phú bữa ăn.

 

Hiện tại ngoài những món ăn truyền thống, bột gạo Sa Đéc còn làm ống hút để xuất khẩu ra các nước, hạn chế sử dụng rác thải nhựa", ông Nguyễn Văn Nương (72 tuổi, ngụ xã Tân Phú Đông) cho biết.

Hiện làng nghề có khoảng 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng cho thị trường 30.000 tấn bột gạo mỗi năm và được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng.

Máy móc thiết bị hiện đại góp phần tăng năng suất sản lượng và chất lượng bột gạo. Ảnh Hữu Tuấn
Máy móc thiết bị hiện đại góp phần tăng năng suất sản lượng và chất lượng bột gạo. Ảnh Hữu Tuấn

Trước đây, những người dân Sa Đéc làm bột gạo theo phương pháp thủ công, xay bột bằng cối đá. Phải mất cả ngày mới xong hết các công đoạn nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo. Thời gian gần đây, người dân làm bột đã sử dụng máy móc vào quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

Hạt gạo sau khi được làm sạch xong sẽ được đưa qua máy nghiền để giã nhuyễn, tạo ra bột gạo lỏng màu trắng sữa đẹp mắt. Bột gạo lỏng sau đó được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm khô, tạo thành những mảng bột trắng ngần. Sau đó, bột khô tiếp tục được đưa vào cối đánh tơi cho thật mịn, thật nhuyễn, rồi cuối cùng mới được đưa vào thùng lắng lọc.

Cối xay thủ công có tuổi đời hơn 100 năm được người dân gìn giữ khá cẩn thận. Ảnh: Hữu Tuấn
Cối xay thủ công có tuổi đời hơn 100 năm được người dân gìn giữ khá cẩn thận. Ảnh: Hữu Tuấn

Tại giai đoạn cuối này, vai trò đặc biệt của nước sông Sa Đéc mới được phát huy. Nước sông, sau khi được bơm lên và lắng phèn sẽ hòa cùng bột đánh tơi trong thùng lắng lọc. Lúc này, theo bí quyết gia truyền, người làm bột cho thêm vào bể một xô nước nhờn, được xay và lược ra từ lá bông dâm bụt nay nhờ áp dụng khoa học người dân sử dụng chất trợ lắng carrageenan được chiết xuất từ tảo biển. Đây là loại phụ gia tuyệt đối an toàn với sản xuất thực phẩm giúp cho tỉ lệ thu hồi bột cao hơn, trắng mịn và không tồn dư kim loại nặng.

Sau thời gian ngâm vài tiếng, hỗn hợp này từ từ biến đổi, các tạp chất, phụ phẩm chìm xuống dưới đáy bể, trong khi phần tinh bột thuần khiết lại nổi lên trên. Tùy theo cách làm của mỗi lò ở công đoạn này mà chất lượng thành phẩm sẽ khác nhau.

Hơn 100 món ăn làm từ bột gạo

Đến nay, thị trường tiêu thụ bột gạo ngày nay đã phát triển rất nhiều, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80-90 tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo… Ngoài ra, bột Sa Đéc còn sản xuất ra bột khô để có thể đóng gói, chuyển đi bán cho các nhà máy, xí nghiệp làm bánh, nui, các loại sợi  được cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm bột gạo Sa Đéc đang được tiêu dùng rộng rãi khắp cả nước. Ảnh: Hữu Tuấn
Sản phẩm bột gạo Sa Đéc đang được tiêu dùng rộng rãi khắp cả nước. Ảnh: Hữu Tuấn

Kỷ lục Gines Việt Nam vừa xác lập kỷ lục 102 món ăn và bánh dân gian được làm từ bột gạo. Theo nhiều tài liệu ghi lại, người dân Sa Đéc ngoài việc cung cấp bột để làm ra các loại bánh ăn chơi như bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh da lợn, bánh gói… còn sản xuất nhiều loại bánh phở, bánh hủ tiếu… Trong đó, hủ tiếu Sa Đéc và bánh phồng tôm đã nổi tiếng khắp nơi xa gần không những trong nước mà còn ra đến ngoài nước.

Hơn 100 món ăn và loại bánh được làm từ bột gạo được Kỷ lục Việt Nam chứng nhận. Ảnh: Hữu Tuấn
Hơn 100 món ăn và loại bánh được làm từ bột gạo được Kỷ lục Việt Nam chứng nhận. Ảnh: Hữu Tuấn

Bà Võ Thị Bình thông tin thêm, những năm qua, UBND TP và Nhân dân Sa Đéc đã cùng chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển với những tiềm năng và lợi thế vốn có. Từng bước quy hoạch xây dựng và phát triển nghề làm bột Sa Đéc trở thành ngành nghề sản xuất tập trung với quy mô công nghiệp hiện đại. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình công nghệ mới trong sản xuất bột chất lượng cao theo hướng thân thiện bảo vệ môi trường, từ đó đã trở thành địa phương sản xuất bột cung ứng nguyên liệu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân rộng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Góp phần tạo nên danh tiếng, lặng lẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ ở Sa Đéc.