Làng nghề “thay da đổi thịt”

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác khuyến công đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nhiều vùng nông thôn Hà Nội. Trong năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn toàn TP tăng 10% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) tăng 13,4% so với năm 2017; đã tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn...

Nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Hà Nội có 1.350 làng nghề với khoảng 1.000 làng nghề TCMN có truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, bước vào hội nhập, các làng nghề truyền thống lại bộc lộ nhiều điểm yếu như quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ, năng lực tài chính, năng lực quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động lành nghề... Điều này dẫn đến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, chưa khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Nhiều làng nghề vì vậy rơi vào cảnh mai một.

Trước thực trạng đó, nhiều năm qua TP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề. Trong năm 2018, UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch khuyến công TP, giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn.
Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ 20 DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, mỗi đơn vị được hỗ trợ thiết kế 2 - 5 sản phẩm mới. Các DN, cơ sở sản xuất đã chế thử 45 mẫu sản phẩm mới và trưng bày tại Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2018 và đã có 5 mẫu sản phẩm được các nhà nhập khẩu đặt hàng với DN.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái, đến nay, về cơ bản công tác khuyến công năm 2018 đã hoàn thành các kế hoạch được giao. Trong đó, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, cấy nghề TCMN cho 1.400 lao động nông thôn. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề có 1.100 lao động (tương đương 80% số lao động được truyền nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định.

Cùng với đào tạo nghề cho lao động, nhằm nâng cao năng lực quản lý cho DN, cơ sở CNNT, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Trung tâm đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý với các nội dung: Khởi sự DN, Hội nhập kinh tế quốc tế, Thiết kế mẫu mã sản phẩm, Quản trị DN, Quản trị kinh doanh và Marketing.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy mạnh khuyến khích các DN, cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, trong năm 2018 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ 14 DN, cơ sở sản xuất CNNT, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Việc hỗ trợ đã giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Trong đó, theo đánh giá của Trung tâm, qua công tác hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, có những cơ sở đã tăng năng suất tới 500% so với sản xuất thủ công. 100% các dự án được hỗ trợ đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có 5 dự án xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Một điểm nhấn trong hoạt động khuyến công Hà Nội là công tác hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đây là hoạt động được TP đặc biệt quan tâm do mẫu mã vốn được coi là một trong những điểm yếu của mặt hàng TCMN khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội” dù đã được tổ chức nhiều năm nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm đều thu hút số lượng lớn nghệ nhân, thợ giỏi và các cá nhân tham gia với sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, sáng tạo và khác biệt. Cuộc thi không chỉ giúp khai phá những sản phẩm TCMN mới, mẫu mã phù hợp thị hiếu khách hàng mà còn là nguồn động viên, khuyến khích rất lớn đối với các DN, cơ sở sản xuất.

Cuộc thi năm 2018 đã thu hút hơn 65 cá nhân tham gia với 181 mẫu sản phẩm mới. Các cá nhân tham gia cuộc thi được hỗ trợ bởi các chuyên gia thiết kế hàng đầu của Anh nhằm tiếp cận tốt hơn xu thế thiết kế, nhu cầu, thị hiếu thị trường. Từ đó giúp các cá nhân dự thi thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nghề thêu tranh Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Mở rộng thị trường, nâng cao vị thế

Xác định hoạt động xuất khẩu là chủ lực của ngành TCMN TP, những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ được đặc biệt coi trọng.

Trong đó, Hội chợ Quốc tế quà tặng hàng TCMN đã trở thành hoạt động thường niên được TP tổ chức, trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất trong nước với các nhà nhập khẩu uy tín quốc tế. Hội chợ năm nay có quy mô 655 gian hàng, thu hút 12.450 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch, trong đó có 642 nhà nhập khẩu nước ngoài đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên TP thực hiện chương trình kết nối kinh doanh (Match and Meet). Qua đó, đã có 50 nhà nhập khẩu nước ngoài được hỗ trợ kết nối đàm phán trước với DN (Online bussiness), giúp rút ngắn thời gian đàm phán ký kết hợp đồng một nửa so với bình thường (còn 1 - 2 tháng so với thông thường từ 3 - 5 tháng).

Thống kê của Ban tổ chức cho thấy, đã có 1.365 giao dịch, biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký giữa các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước với các DN tham gia Hội chợ (bằng 106,2% so với năm 2017), với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 5,5 triệu USD (bằng 110% so với năm 2017).

Ngoài ra, TP cũng đã hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ hàng TCMN trong nước và quốc tế. Qua đó không chỉ giúp các DN, cơ sở đã tìm kiếm được nhiều nhà nhập khẩu tiềm năng, ký kết hợp đồng xuất khẩu giá trị hàng trăm nghìn USD mà còn giúp quảng bá, giới thiệu mặt hàng TCMN Việt Nam với thị trường quốc tế.

Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực trên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Đào Hồng Thái, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch khuyến công TP Hà Nội năm nay đều đã đạt và vượt.

Cụ thể, giá trị sản xuất CNNT ước đạt 98.000 tỷ đồng tăng 10% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN ước đạt 205 triệu USD tăng 13,4% so với năm 2017 (cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6,9%). Số lao động CNNT tăng 4% so với năm 2017 (ước đạt 433.000 người, tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn). Thu nhập bình quân lao động CNNT đạt khoảng 51 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 10% so với năm 2017)...

Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, nhiều nội dung hoạt động khuyến công có tính mới, tính dẫn đường, có tác dụng lan tỏa, hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT phát triển bền vững. “Qua đó, đã có tác dụng tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân nông thôn ngoại thành, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội” – ông Lê Hồng Thăng cho hay.