Sôi động làng nghề
Thời điểm này, dọc tuyến đường làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), đến đâu cũng gặp người dân phơi hương để chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.
Đang ngồi phơi các bó hương, ông Nguyễn Bá Cảnh (49 tuổi) cho biết, để làm ra một bó hương thành phẩm phải chuẩn bị nhiều loại nguyên liệu và trải qua nhiều công đoạn, đặc biệt là thời tiết đóng vai trò rất quan trọng đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng của hương.
“Nguyên liệu làm hương gồm bột cưa, quế, thuốc bắc, trầm hương được phơi khô và xay mịn. Tiếp theo, người thợ cho nguyên liệu vào máy rồi thêm bột dẻo và nước lã trộn đều. Sau đó, nguyên liệu được máy kết dính vào tăm hương rồi cho ra từng que hương vừa đều vừa đẹp mắt”, ông Cảnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bá Cảnh, số hương sau khi được kết dính sẽ được đem đi phơi nắng, trời nắng to thì phơi khoảng 4 tiếng, nắng nhẹ thì khoảng 8 tiếng.
Còn theo anh Võ Tấn Bửu (30 tuổi), mỗi ngày nếu điều kiện thuận lợi xưởng sản xuất của gia đình có thể chế biến được 400 kg hương thành phẩm, nhưng mấy hôm nay mưa lạnh nên việc sản xuất không được như ý muốn.
“Năm nay không những bị thời tiết ảnh hưởng đến năng suất mà dịch Covid-19 cũng làm việc tiêu thụ không ổn định. Dịp Tết là thời điểm chúng tôi làm nhiều nhất trong năm nhưng thiếu nắng cũng làm chúng tôi lo lắng”, anh Bửu nói.
Anh Bửu cho biết thêm, những loại hương quế giá bán ra thị trường dao động từ 8.000 đồng đến 150.000 đồng/bó. Loại hương trầm thì được bán theo cân nặng, với giá 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/1kg.
Tìm về làng Tân Thọ (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên), nơi nổi tiếng về nghề làm bánh tổ, người dân địa phương đang khẩn trương sản xuất bánh để bán ra thị trường.
Hơn 30 năm trong nghề, ông Đặng Tĩnh (67 tuổi, thôn Tân Thọ) cho biết, làm bánh tổ cần chuẩn bị các nguyên liệu gồm gạo nếp xay nhuyễn, đường bát và gừng. Sau đó tất cả cho vào khuôn rồi hấp trong vòng 3 giờ đồng hồ, vớt để ra nguội, bánh chín sẽ đông đặc lại.
“Nghề làm bánh tổ là truyền thống của gia đình tôi. Tết đến, cả nhà lại quây quần bên nhau làm bánh, lượng bánh làm ra rất nhiều nhưng không đủ cung cấp cho khách. Vì là bánh cổ truyền nên khách hàng rất ưa chuộng, họ mua về thờ cúng ông bà tổ tiên”, ông Tĩnh nói.
Theo ông Tĩnh, mỗi cái bánh tổ có giá từ 35.000 đến 40.000 đồng nên gia đình ông có thể thu lãi cả trăm triệu đồng mùa Tết. Đời sống của gia đình từ đó được nâng lên rõ rệt.
Giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống
Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết: “Để giữ gìn phát huy làng nghề làm hương tại địa phương, chúng tôi luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Hiện tại làng nghề có 100 hộ tham gia với hơn 300 lao động, trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại ra thị trường. Dịp này, do có nhiều đơn đặt hàng từ các huyện trong và ngoài tỉnh nên người dân đang tập trung mọi nguồn lực để sản xuất cho vụ Tết”, ông Hiếu.
Trong khi đó, để phát huy làng nghề bánh tổ, ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Duy Châu chia sẻ: “Thời gian qua, chính quyền xã đã kiến nghị với lãnh đạo huyện Duy Xuyên để có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ dân làm nghề bánh tổ. Hiện tại, thôn Tân Thọ có hơn 30 hộ dân làm nghề này, qua đó giúp cho bà con địa phương có nguồn thu nhập cao để trang trải cuộc sống và dịp Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ bánh tổ ở địa phương chủ yếu là các huyện lân cận và TP Đà Nẵng”.