Lãnh đạo Nga "bắt bệnh" cho nước Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài xã luận mới đây trên TASS, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nêu bật những bất ổn trong và ngoài đang diễn ra với nước Mỹ lúc này, chủ yếu do hệ thống bầu cử mà người Mỹ tự hào là hình mẫu bỏ phiếu dân chủ của thế giới.

Cựu Tổng thống Nga (2008 - 2012) Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia.
Một hệ thống lỗi thời?
Theo ông Medvedev, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 không còn là chiến dịch tranh cử, mà có thể gọi là "vụ bê bối nhất trong lịch sử", cho thấy loạt sai sót mang tính bản chất trong hệ thống bầu cử của nước này.

Hệ thống bầu cử Mỹ hiện tại quy định trao tất cả số phiếu đại cử tri cho người chiến thắng, nên 1 ứng cử viên giành chiến thắng với tỷ lệ chênh lệch nhỏ ở các bang nhưng đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri vẫn có thể thắng cử, bất chấp việc người đó đã thua cuộc ở nhiều bang khác. Tuy nhiên, cách bỏ phiếu này đang vấp phải nhiều chỉ trích.
Đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga trích dẫn việc bà Hillary Clinton, người đã thất bại trước ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, đã kêu gọi bãi bỏ nguyên tắc Cử tri đoàn, đồng thời chọn một Tổng thống bởi người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông giống như các nước khác.
Bởi nếu không, sẽ xảy ra tình huống khó khăn khi hàng chục triệu cử tri không tin rằng kết quả của cuộc bầu cử phản ánh mong muốn thực tế của nhân dân - điều thực sự đã diễn ra trong cuộc chạy đua Nhà Trắng năm 2020 vừa qua, dẫn đến cuộc bạo động tại Điện Capitol hôm 6/1.
Bên cạnh đó, theo ông Medvedev, những nghi ngờ về tính công bằng, minh bạch của người dân đối với bầu cử tại Mỹ không phải là không có cơ sở. Mỹ hiện chưa có quy trình tiêu chuẩn để đăng ký cử tri, nhận dạng cử tri, phát hành và gửi phiếu bầu. Theo tổ chức phi lợi nhuận Jud Justice Watch, vào tháng 9/2020, tồn tại 29/37 bang tại Mỹ có số cử tri đăng ký, nhiều hơn 1,8 triệu so với số công dân đủ điều kiện đi bầu thực tế. Điều này phần lớn là do Mỹ không có khái niệm như hộ chiếu nội địa hoặc một số loại đăng ký cư trú, nên khi chuyển nơi cư trú, mọi người thường không tự xóa mình khỏi danh sách cử tri.
Ngoài ra, có những trường hợp người đã chết từ lâu vẫn bỏ phiếu là do các thành viên khác trong gia đình có tên giống nhau, dẫn đến sai sót trong hồ sơ cử tri. Tuy nhiên, các tòa án hiện không tìm thấy bằng chứng cho thấy những trường hợp như vậy là phổ biến tại Mỹ. Theo thống kê của California Globe - một tổ chức phi chính phủ - có 153 triệu cử tri đã đăng ký ở Mỹ vào năm 2018, với hơn 20 triệu mục trong danh sách cử tri đã hết hạn.

Cùng với đó, năm 2020 chịu sự chi phối của đại dịch Covid-19 còn cho thấy một vấn đề từ việc bỏ phiếu qua thư tại Mỹ - có thể bị lợi dụng dễ dàng cho mục đích gian lận phiếu bầu. Các luật sư đại diện cho đảng Cộng hòa nhận thấy điều bất ổn khi nhiều bang đã tiếp tục kiểm phiếu trong vài ngày sau ngày bỏ phiếu chính thức 3/11, đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc chấp nhận các lá phiếu muộn. Tuy nhiên, tất cả các khiếu nại như vậy đều đã bị các tòa án tại Mỹ bác bỏ.

Hơn hết, cựu Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008 - 2012 cho rằng, tất cả những điều này hầu như không phù hợp với những "chuẩn mực dân chủ mà Washington áp đặt lên các quốc gia khác".

Ví dụ, các quan chức Mỹ trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã liên tục chỉ ra sự cần thiết của các quốc gia thành viên OSCE phải tuân thủ các khuyến nghị của Văn phòng về các Định chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR), dựa trên kết quả của các hoạt động quan sát bầu cử của mình. Trong khi đó, bản thân Washington lại không thực hiện các khuyến nghị liên quan, vi phạm các quy định của Tài liệu năm 1990 từ Cuộc họp Copenhagen của Hội nghị về Kích thước Con người của CSCE, cũng như vi phạm Hiến chương về An ninh châu Âu năm 1999 - quy định nghĩa vụ mời các quan sát viên giám sát các cuộc bầu cử quốc gia.

Trích dẫn trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 giữa George W. Bush và Al Gore đã phải phân định thắng thua tại tòa án, ông Medvedev nhận định: "Các cuộc tranh cãi kéo dài về kết quả bầu cử tại các tòa án cho đến những phút cuối cùng là một minh chứng thực tế khác cho thấy hệ thống bỏ phiếu của Mỹ không hiệu quả và lỗi thời như thế nào".
Một bộ phận cử tri Mỹ tấn công Điện Capitol hôm 6/1 để phản đối kết quả bầu cử Tổng thống 2020.
Hệ quả từ dân chủ "kiểu Mỹ"

Cựu Tổng thống Nga cho rằng, "cái giá" của một hệ thống bỏ phiếu như vậy chính là việc giới tinh hoa chính trị Mỹ không biết đến 2 từ "đồng thuận". Gần đây nhất, không ai có thể ngờ rằng những khác biệt đảng phái này đã dẫn đến cuộc tấn công Điện Capitol - nơi Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington đã đặt những viên gạch nền.

Cuộc tấn công được thực hiện bởi những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump trong khi Quốc hội đang kiểm phiếu xác nhận ông Biden, không chỉ khiến các Chính phủ quốc gia trên toàn thế giới kinh hoàng, mà còn kích động đổ máu ở một đất nước vốn được nhiều người coi là "tiêu chuẩn vàng của nền dân chủ". Theo ông Medvedev, nó không khác gì sự kiện Maidan ở Ukraine hay các cuộc "cách mạng màu" khác đã diễn ra trong những năm gần đây trên nhiều quốc gia.

Cựu Tổng thống Nga đặc biệt lưu ý, trong bối cảnh hệ thống bầu cử lỗi thời như vậy, phương tiện truyền thông xã hội do chính người Mỹ tạo dựng dường như đang nằm ngoài bất kỳ quy định nào của pháp luật.

Các sự kiện ở Điện Capitol đã dẫn đến việc tài khoản của Tổng thống Trump bị đình chỉ vĩnh viễn và chưa từng có trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội - nơi ông có tổng cộng khoảng 200 triệu người theo dõi. Theo ông Medvedev, "giọng điệu của các bài đăng kích động việc đình chỉ tài khoản của Trump không khác nhiều so với những thông báo của ông trong những tuần trước đó". Tiếp theo, các mạng xã hội cũng chặn hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm trên tất cả các loại nền tảng từng được coi là diễn đàn cho một cuộc thảo luận chính thức.

"Do đó, hóa ra một số tập đoàn công nghệ đặt tại California thèm muốn quyền lực và nghĩ rằng có thể tung hứng những tin tức và sự kiện để phù hợp với sở thích chính trị của họ. Đây chỉ là một sự kiểm duyệt trắng trợn!", ông Dmitry Medvedev viết.

"Mệt mỏi" vì nước Mỹ khó lường

Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã từng thừa nhận với chính ông Medvedev, rằng: "Hệ thống của chúng tôi không hoàn hảo, nhưng chúng tôi đã quen với điều đó và nó thuận tiện cho chúng tôi". Nhưng vấn đề là hệ thống bỏ phiếu như vậy được cho đang khiến phần còn lại của thế giới ngày càng thấy "mệt mỏi" khi phải làm việc với một "đối tác khó lường" như Mỹ.

Chính phủ nhiều nước đang tỏ ra lo ngại về tính liên tục trong chính sách của một nhân tố quan trọng đối với các vấn đề thế giới như Mỹ. Cuộc bầu cử năm 2016 đã phá vỡ truyền thống liên tục kéo dài hàng thế kỷ của các chính quyền Washington, đặc biệt là trong các vấn đề chính sách đối ngoại.

Theo ông Medvedev, điều này đang trở thành một truyền thống tại Mỹ, khi chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Joe Biden được quảng cáo "không giống như cách Trump từng làm", chẳng khác gì cách Tổng thống Mỹ thứ 45 không do dự đảo ngược nhiều chỉ thị của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Một lần nữa, lập trường của Mỹ lúc này về loạt vấn đề quốc tế lại phụ thuộc vào kết quả bầu cử.

"Bất ổn nội bộ và bên ngoài này phần lớn là do sự vụng về, vô vọng trong hệ thống bầu cử hầu như không có cải tiến gì lớn kể từ khi thế kỷ XVIII cho đến ngày nay", ông Medvedev "bắt bệnh" và cho rằng, chỉ bản thân người Mỹ mới có thể quyết định xem có nên gạt bỏ thói ích kỷ dân tộc của họ sang một bên và khởi động cải cách hệ thống bỏ phiếu, từ đó cải cách đời sống chính trị, hay không?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần