Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động đặc thù được giảm số năm đóng BHXH, hưởng lương hưu tối đa?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thuyền viên được tính cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 15 năm được hưởng 45%; từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính 2%, tối đa hưởng không quá 75%. Trong thời gian thuyền viên nghỉ dự trữ không làm việc, không có tiền lương vẫn được đóng BHXH.

Đây là kiến nghị của Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khi góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Hiện nay, lao động làm công việc đặc thù của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là thuyền viên có gần 5.000 người. Thuyền viên trên các tàu là nam giới có độ tuổi từ 18 - 55 tuổi; thời gian công tác trên các tàu hàng khô là 10 tháng +/- 2 tháng và các tàu dầu/tàu container 8 tháng +/- 2 tháng. Trong suốt thời gian công tác, thuyền viên sinh hoạt và làm việc liên tục trên tàu.

Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị thuyền viên đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng 45%; từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính 2%, tối đa hưởng không quá 75%. Ảnh minh họa: Internet.
Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kiến nghị thuyền viên đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng 45%; từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính 2%, tối đa hưởng không quá 75%. Ảnh minh họa: Internet.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay lực lượng thuyền viên Việt Nam là trên 40.000 người. Độ tuổi bắt đầu làm việc của thuyền viên trung bình khoảng 22 tuổi. Điều kiện làm việc thường xuyên xa đất liền và gia đình từ 9 - 12 tháng, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; có nhiều rủi ro…

Về thời gian tham gia BHXH, bảo hiểm y tế của thuyền viên, theo quy định tại khoản 3, Điều 85 Luật BHXH năm 2014: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

Còn theo quy định tại Khoản 3, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn trong điều kiện lao động bình thường, tức là thuyền viên có thể nghỉ hưu từ 57 tuổi.

Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chỉ ra bất cập ở chỗ: Theo quy định về thời gian làm việc và nghỉ phép của thuyền viên thì mỗi năm thuyền viên làm việc 9 tháng sẽ được nghỉ phép, nghỉ bù 3 tháng. Nếu thuyền viên ra trường bắt đầu đi làm năm 22 tuổi và nghỉ hưu ở độ tuổi 57 thì có thời gian công tác là 35 năm.

Thời gian thuyền viên có tham gia đóng BHXH là thời gian làm việc ở dưới tàu được tính là: 35 năm x 9 tháng = 315 tháng (tương đương 26,25 năm, làm tròn là 26,5 năm).

Theo quy định Luật BHXH, từ năm 2022 trở đi, người lao động đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%; cứ đóng thêm 1 năm được tính thêm 2%.

Tổng cộng tỷ lệ phần trăm tiền lương hưu tối đa của thuyền viên là: (45% cho 20 năm đầu) + (6,5 năm còn lại x 2%/năm) = 58% mức lương làm căn cứ BHXH. Như vậy, thuyền viên đi làm đủ thời gian và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định đối với nghề đi biển nhưng mức lương hưu sẽ giảm 17% so với người làm việc trên bờ.

Ngoài ra, không được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ dự trữ sẽ ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh khi thuyền viên không may bị ốm đau, tai nạn rủi ro. Đây là điều thiệt thòi cho thyền viên.

Vì vậy, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, BHXH Việt Nam đảm bảo điều kiện về thời gian đóng BHXH cho thuyền viên, với hai phương án:

Phương án 1: Đề nghị quy định riêng đối với lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Thuyền viên được tính cứ đóng đủ 15 năm được hưởng 45%. Từ năm thứ 16, cứ đóng thêm mỗi năm được tính thêm 2%, tối đa hưởng không quá 75%.

Phương án 2: Trong thời gian thuyền viên nghỉ dự trữ (nghỉ phép, nghỉ bù) không làm việc, không có tiền lương vẫn được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thời gian và mức đóng cho phép người sử dụng lao động và thuyền viên tự thỏa thuận và được ghi vào trong hợp đồng lao động. Nhà nước quy định mức lương thấp nhất làm cơ sở để đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thuyền viên trong thời gian nghỉ dự trữ.

Phản hồi về việc trong thời gian thuyền viên nghỉ dự trữ, không có tiền lương vẫn được đóng BHXH, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường cho biết, theo quy định, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận khác thì vẫn có thể đóng BHXH để đảm bảo các quyền lợi cho người lao động.