Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899 (đến năm 1902 hoàn thành), thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Trải qua 120 năm khai thác sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại.
Trong tháng 5, trên cầu Long Biên liên tiếp xảy ra việc tấm đan bị hư hỏng và rơi xuống sông Hồng. Trên cầu xuất hiện "lỗ thủng" gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Dù đã có biển cảnh báo với dòng chữ "Cầu Long Biên yếu, cấm các loại xe đạp thồ, xe máy thồ" được treo tại đầu lối lên phía đầu cầu thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội). Nhưng vẫn có hàng loạt xe máy thồ, xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh vẫn ngang nhiên di chuyển trên cầu.
Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) đã lắp đặt hàng loạt camera giám sát trên cầu để ghi hình những phương tiện bị cấm lên cầu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động
Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên) cho biết: “Chỉ tính riêng từ 14 giờ - 20 giờ ngày 30/5, qua theo dõi, đã phát hiện 150 xe ba gác thồ đi qua cầu”.
“Công ty đã lắp mới 3 camera theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm và trích xuất camera hàng ngày, hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng như CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội”, ông Nguyễn Quốc Vượng cho biết thêm.
Các camera 360 độ được lắp đặt tại giữa cầu, camera này có thể quan sát được đường sắt và hai làn cầu.
Việc lắp đặt camera giúp các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng dễ dàng quan sát ở nhiều góc độ.
Camera an ninh được quận Long Biên lắp đặt
Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đề xuất, trong thời gian tới, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng xe lam, xe thồ hàng nặng cồng kềnh đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên.