Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấp khoảng trống pháp lý để đảm bảo an ninh năng lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấp khoảng trống pháp lý, hoàn thiện thể chế là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển hạ tầng năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia...

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Sáng 16/10, tại Hà Nội, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Luật Điện lực sửa đổi: Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW.

Theo TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Với tư cách là cơ quan chủ trì, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 28/3. Cùng với đó, Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật có liên quan cũng được thành lập với thành phần là các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để rà soát các vướng mắc về pháp lý và hoàn thiện Dự án Luật.

Tới thời điểm hiện tại, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc khá nhiều các đóng góp của các cơ quan, các chuyên gia và các nhà khoa học trong lĩnh vực điện và năng lượng để hoàn thành dự thảo Luật Điện lực sửa đổi và trình lên các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là một công trình trí tuệ, khoa học đa lĩnh vực của năng lượng trên cơ sở thực tiễn triển khai Luật Điện lực 2004 và những nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện, cùng với định hướng theo tinh thần Nghị quyết 55, Kết luận 76 và các chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ.

Hoàn thiện thể chế để điện gió ngoài khơi phát triển
Hoàn thiện thể chế để điện gió ngoài khơi phát triển

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tổng hợp và so sánh với những định hướng, chủ trương của Nghị quyết 55, Quy hoạch Năng lượng Quốc gia và Quy hoạch điện VIII, Hội Dầu khí Việt Nam nhận thấy việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc đối với các cấp quản lý, các chủ thể và nhà đầu tư trong chuỗi dự án. Điều đó dẫn tới nguy cơ làm chậm và không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo Quy hoạch.

Vì vậy, với các hội nghề nghiệp, cơ quan, Tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng, đây là giai đoạn quan trọng để cùng trao đổi các luận cứ, các đánh giá cả về pháp lý và thực tiễn, cùng rà soát để đưa ra các ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), mà trong đó các cơ chế chính sách đang cần được gấp rút xây dựng và trình Quốc hội ban hành. Đồng thời, cũng đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng Quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.

Tại Tọa đàm, Hội Dầu khí Việt Nam đã có tham luận về tính cấp thiết và các khoảng trống pháp lý trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và các Bộ Luật liên quan; Tham luận minh họa của PVN và các đơn vị thành viên đã đang triển khai các dự án điện khí, kho cảng và điện khí LNG, và điện gió ngoài khơi như: PV Gas, PV Power, PTSC...

Hoàn thiện thể chế là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển hạ tầng năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Thập mong các tham luận đi thẳng vấn đề, cởi mở chia sẻ các vấn đề thực tiễn, các vấn đề pháp lý trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo tinh thần Nghị quyết số 55, Kết luận số 76. Qua đó, cùng hiểu rõ, nắm sâu và đưa ra tiếng nói phản biện, góp ý xác đáng, khoa học góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực nói riêng, các Bộ Luật liên quan nói chung. Đồng thời, một số các kiến nghị đề xuất cũng sẽ được tổng hợp và đề xuất lên các cơ quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội và Thường trực Quốc hội.