Lấp lỗ hổng về tính minh bạch

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/9 tới, với Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 5/7/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về sổ sách, báo cáo và minh bạch thông tin.

Như vậy, sẽ có thêm một công cụ pháp lý để lấp lỗ hổng về công tác quản lý và tăng tính minh bạch cho các hoạt động thiện nguyện.

Có thể nói rằng, hoạt động thiện nguyện đã và đang ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, với nhiều cách thức đa dạng. Đặc biệt, mỗi khi người dân nơi đâu gặp khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai, hoạt động từ thiện lại dấy lên mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của nhiều nhà hảo tâm.

Người dân không chỉ chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể để gửi gắm, mà còn đặt lòng tin vào tổ chức, cá nhân có uy tín trong xã hội. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cá nhân đứng ra quyên góp được số tiền lớn, trao đến tận tay người dân bằng những hình thức khác nhau, tạo nên sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội.

Nhưng ngược lại, cũng có không ít chuyện “lùm xùm” quanh việc làm từ thiện này, như một số người đã biến việc làm ý nghĩa và tốt đẹp này thành phương thức đánh bóng hình ảnh, thậm chí để lừa đảo... Hoặc có nhiều tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong vận hành hoạt động lại bộc lộ không ít bất cập.

Trước một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, việc quản lý thế nào để hoạt động thiện nguyện hiệu quả nhất với cả người dân và nhà hảo tâm; minh bạch, công khai về tài chính của tổ chức, cá nhân đứng ra làm từ thiện bằng những quy định phù hợp liên tục được nhắc đến. Bởi việc cứu trợ Nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… luôn cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Nếu những “lỗ hổng” về vấn đề quản lý, giám sát, sự minh bạch trong thu chi tiền từ thiện được lấp đầy, sẽ tránh được các kẽ hở và những “điều tiếng” không tốt.

Để phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó có các quy định sát hơn với cuộc sống hiện nay, bổ sung những quy định, hướng dẫn về cách thức, phương pháp thực hiện và điều phối nhằm đảm bảo công tác cứu trợ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.…

Và từ 1/9 tới đây, với Thông tư 41 có hiệu lực, các cá nhân hoạt động xã hội, từ thiện sẽ có trách nhiệm phải mở sổ kế toán, ghi chép đầy đủ, lập báo cáo và công khai, minh bạch tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng… Việc quản lý, chi tiêu số tiền lớn là một công việc không hề đơn giản, thách thức càng lớn khi số tiền ấy đến từ rất nhiều nguồn, với những quy định rõ ràng được đặt ra trong Thông tư mới này sẽ góp phần đưa hoạt động thiện nguyện vào nề nếp, thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

Từ quy định đến thực tiễn, rất cần sự nghiêm túc trong triển khai của các tổ chức, cá nhân, phải thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở pháp luật như phải có tài khoản riêng cho hoạt động từ thiện, công khai các khoản quyên góp, các địa chỉ hỗ trợ từ thiện, giá trị các khoản hỗ trợ với hóa đơn, chứng từ hợp pháp và hợp lý... Việc làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc để các hoạt động thiện nguyện tiếp tục lan tỏa và không ngừng phát huy hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần