Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lầu Năm Góc báo tin buồn cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này sắp hết tiền phân bổ cho Ukraine và sẽ phải giảm viện trợ quân sự cho Kiev

Mỹ có thể phải giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: RT
Mỹ có thể phải giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: RT

Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh thông báo Washington đã chi khoảng 95% nguồn tài chính hỗ trợ cho Ukraine, trong tổng số tiền lên tới hơn 60 tỷ USD. 

Theo bà Singh, hiện chỉ còn khoảng 1 tỷ USD trong gói ngân sách viện trợ cho Ukraine là chưa được giải ngân. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ thiết bị quân sự từ kho hiện có cho Ukraine và thay thế bằng các đơn đặt hàng mới.

“Mỹ vẫn cam kết dành sự hỗ trợ cho Ukraine” - bà Singh nói, đồng thời nhấn mạnh mặc dù Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Kiev nhưng với ngân sách sẽ “ngày càng bị thu hẹp”.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi Quốc hội bỏ qua những bất đồng và thông qua gói viện trợ mới, trị giá 106 tỷ USD dành cho cả Ukraine và Israel, theo đề xuất của Nhà Trắng. Trong đó, 61,4 tỷ USD dự kiến là nguồn tài trợ khẩn cấp cho Kiev.

Tuy nhiên, trong tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã tìm cách phân tách viện trợ cho Ukraine và Israel, khi phê duyệt gói hỗ trợ riêng rẽ, trị giá 14 tỷ USD cho Tel Aviv.

Nhà Trắng đã phản đối quyết định trên. Các nhà lập pháp Dân chủ tại Thượng viện Mỹ ngày 7/11 cũng bỏ phiếu bác bỏ dự luật của Hạ viện, đồng thời yêu cầu phe Cộng hòa đồng ý gói viện trợ đầy đủ như chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Năm tài chính gần đây nhất của chính phủ Mỹ kết thúc vào ngày 30/9. Chính quyền Kiev không chỉ dựa vào Washington với tư cách là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất mà còn dựa vào tiền để đáp ứng các chi phí phi quân sự.

Trước đó, hôm 8/11, Cơ quan chính phủ Mỹ giám sát chương trình cứu trợ nhân đạo của Washington dành cho Ukraine đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng, nguồn tài trợ đã cạn kiệt, khiến Kiev có nguy cơ bị hủy hoại kinh tế nếu không phân bổ thêm tiền giữa thời điểm xung đột với Nga.

Bà Erin McKee, trợ lý quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại  phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hồi tháng 1/2023. Ảnh: Getty
Bà Erin McKee, trợ lý quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại  phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hồi tháng 1/2023. Ảnh: Getty

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 8/11, bà Erin McKee, trợ lý quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cho biết: “Chúng tôi không còn hỗ trợ ngân sách trực tiếp nữa. Kỳ cuối cùng được giải ngân vào cuối năm tài chính. Điều này sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt là trong những tháng tới, thời điểm Ukraine rất cần nguồn tài trợ để duy trì sự ổn định kinh tế trong khi tiếp tục đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Việc này rất khẩn cấp”.

Theo bà McKee, sự giúp đỡ của USAID đã cho phép Ukraine đảm bảo toàn bộ nguồn chi của chính phủ cho quốc phòng, bao gồm cả tiền lương cho binh lính.

Bà McKee cảnh báo rằng, nếu không được phê duyệt gói tài trợ mới, chính phủ Ukraine “sẽ cần phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp, như in tiền hoặc không trả được những khoản lương quan trọng, điều này có thể dẫn đến siêu lạm phát và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nỗ lực chiến tranh”.

Diễn biến mới nhất được coi là tin buồn đối với Ukraine, trong bối cảnh chiến dịch phản công của nước này kể từ tháng 6 đã không giành được các đột phá lớn như mong đợi.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cho biết Washington đã chi khoảng 44,2 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 19 tháng và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Gần đây đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Tuần trước, Slovakia thông báo ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.