Âu cũng là duyên số, người nhà nói vậy, người làng nói vậy, nhiều lúc vợ chồng Minh - Hải cũng nghĩ như vậy. Chuyện tình của họ diễn ra như thế này: học xong trung học phổ thông, sau 2 năm nghĩa vụ quân sự, Hải đi lao động xuất khẩu rồi trốn ở lại xứ người đến hơn 10 năm; đến khi bị trục xuất anh mới về nước.
Ở tuổi tứ tuần, trai làng đã lên chức ông, ấy vậy mà Hải vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Còn Minh cũng xấp xỉ 30, mà ở cái làng này, ngoài 20 một chút, con gái đã yên bề gia thất. Một đàng trai 40, gái suýt 30, không đến với nhau được thì coi như hết cơ hội. Sau một đám cưới tương đối rình rang, họ về sống với nhau trong ngôi nhà mới xây nằm kẹp giữa hai bên nội - ngoại…
Thời gian trôi đi nhanh lắm, mới cưới nhau ngày nào, vậy mà giờ đây vợ chồng Minh đã có tới 3 đứa con, 1 gái, 2 trai; trong làng ai cũng khen cô là người tốt đẻ. Để quản được 3 đứa trẻ lít nhít kiểu trứng gà, trứng vịt không phải việc nhẹ nhàng… Nhiều phụ nữ trong làng thì cho rằng số Minh sướng “chỉ việc trông mỗi 3 đứa con, ngoài ra chẳng phải làm gì”.
Còn trong mắt mẹ chồng, Minh là người sướng nhất. Đi đến đâu bà cũng nhắc đi nhắc lại câu nói: từ khi về nhà chồng, nó chỉ có mỗi việc ăn với đẻ - ngoài ra chẳng phải động chân tay vào việc gì, vì nấu cơm đã có nồi điện, quần áo đã có máy giặt, hút bụi đã có rô bốt!
Nhưng thói đời “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, mang tiếng là “sướng”, nhưng kỳ thực cuộc sống của Minh thuộc diện đầu tắt mặt tối. Minh bảnh mắt đã phải dậy nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đấy đánh thức 3 đứa con rồi lần lượt làm vệ sinh cho từng đứa. Cho chúng nó ăn xong mới ngoài 6 giờ; bế xốc cu nhớn lên yên sau, đặt con nhỡ lên ghế trước, “cho đứa vào lớp 1, đứa đến trường mầm non”; quay về trông cu út và dọn bát đũa của bữa sáng; sau đó là đến tiết mục dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo.
Tiếng là gia đình cơ bản đã được “cơ giới hóa”; nhưng thiếu bàn tay con người thì máy móc cũng chỉ là cục sắt mà thôi. Khi cái máy “chạy bằng cơm” (theo cách gọi tếu táo của chồng) dọn dẹp xong nhà cửa, mặt trời đã đứng con sào, Minh lại tất tả lo bữa trưa cho gia đình, xong bữa trưa, vòng tuần hoàn rửa bát quét nhà lặp lại. Được hôm nào cu út mát tính thì còn được nghỉ ngơi một chút, bằng không cô phải dỗ dành chán chê nó mới chịu đi ngủ trưa.
Nhoáng một cái đã đến giờ đón con buổi chiều, rồi lại tắm rửa cho 3 đứa nhỏ, cơm nước buổi tối cho gia đình. Cơm xong, vòng quay rửa bát, dọn dẹp bếp núc lại diễn ra… Tám giờ tối, Minh lại kèm cu nhớn học bài, 10 giờ khuya công việc của một ngày mới tạm yên. Cái vòng xoáy chậm dần đều này đã diễn ra kể từ ngày Minh về làm dâu nhà Hải…
Giá như mẹ chồng và mẹ đẻ ở xa còn dễ chịu, đàng này bà nội - bà ngoại ngay cạnh mé nhà, thế nhưng cả 2 bà đều không giúp đỡ Minh trong nuôi dạy con cháu. Bà nội thì công việc là trên hết. Sáng sớm bà chỉ cần qua quýt cái gì lót dạ, sau đó vác cuốc ra đồng, làm một mạch đến trưa. Có hôm trời mát mà công việc chưa xong, bà có thể làm thông tầm đến chiều…
Còn mẹ đẻ, dù ngay sát vách nhà Minh nhưng bà cũng chẳng giúp gì được cho cô, do bà có 4 con trai đã lập gia đình, quanh năm suốt tháng lần lượt đi làm osin cho họ!
Nói về cuộc sống của Minh mà không nhắc đến Hải sẽ là một thiếu sót. Từ ngày về nước, Hải “tiếng là mang được một mớ tiền về”, nhưng sau khi xây nhà, cưới vợ rồi sinh con, dẫu của núi cũng phải hết. Kinh tế gia đình bắt đầu sa sút khi sòn sòn 3 đứa trẻ ra đời. Vợ ở nhà trông con, mình Hải gánh vác chuyện kinh tế, vậy nên về đến nhà cũng bở hơi tai; cộng thêm thói gia trưởng nên anh ta không bao giờ mó vào việc nhà.
Hết giờ làm ở công ty, Hải lại bù khú với đám bạn, lắm hôm còn đi qua đêm, nói mãi vẫn chứng nào tật ấy nên Minh đâm chán… Lắm lúc cô cũng muốn làm toáng lên, nhưng vừa cất lời đã bị bà mẹ chồng chặn họng “nhà này không có chuyện gà mái biết gáy”.
Thế là Minh lại phải ngậm bồ hòn… và nghĩ phận lấy chồng để chống ế của mình sao mà khổ. Dù vậy, cô cũng tự an ủi, dù sao mình cũng có chồng, còn có những 3 đứa con, hy vọng sau này chúng hiểu và báo hiếu mẹ.