Lấy ý kiến Nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi từ ngày 3/1 đến 15/3/2022

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 18. Trong đó, xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian đến hết ngày 15/3/2023, do thời điểm lấy ý kiến trùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Lấy ý kiến về toàn bộ Dự Luật

Chiều nay, Chính phủ đã có tờ trình về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 ngày 30/9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức  lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 

Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Dự Luật rất quan trọng này.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được xác định là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan.  Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với Dự Luật.

Dự thảo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua và dự kiến được thông qua vào cuối năm 2023 theo quy trình 3 Kỳ họp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.

Đây là Dự Luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị quy định đối tượng lấy ý kiến bao gồm “các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần được làm rõ hơn về cơ quan đầu mối tổ chức triển khai lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo Luật và tài liệu có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ Dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để Nhân dân xem xét, góp ý, trong đó quan tâm đến một số nội dung như sau: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại; Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất...

Về hình thức lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng khả năng tiếp cận dự thảo Luật và tính hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân.

Liên qua thời gian xin ý kiến, hiện  vẫn còn ý kiến khác nhau: Thứ nhất tán thành thời gian như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023); Thứ hai cho rằng thời gian lấy ý kiến như trên trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân có thể gặp khó khăn, nên đề nghị kéo dài thời gian đến hết ngày 15/3/2023. “100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức để bảo đảm hiệu quả, thực chất

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến Nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất Xây dựng luật tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

"Thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó cần làm rõ việc lấy ý kiến Nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào"- Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đồng thời đặt vấn đề, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “Nhân dân” trong lấy ý kiến Nhân dân được xác định như thế nào? là những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp….Đây là nội dung cần được làm rõ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề. Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được.

Nhấn mạnh thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề trong quá trình lấy ý kiến này thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định như thế nào…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nội dung này tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nội dung này tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến Nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí, đây là Dự Luật lớn, phạm vi rộng, liên quan rất nhiều vấn đề, nên công tác thông tin, tuyên truyền cần được chú trọng, đặc biệt cần chú ý đến ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Về thời gian triển khai, đồng tình với phương án là lấy ý kiến từ 03/01 đến 15/03 để tránh trùng vào dịp Tết Nguyên đán… Đồng thời, việc lấy khiến nên triển khai theo chọn những vấn đề trọng tâm theo từng loại đối tượng đảm bảo tính sâu sắc.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

 

Tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét hai nhóm nội dung lớn. Nhóm nội dung thứ nhất là các nhiệm vụ thường xuyên thuộc thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND; xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến về chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Nhóm nội dung thứ hai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhằm chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, bao gồm cho ý kiến quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chi phối nhiều quy hoạch khác, cần phải được phê duyệt sớm nhất; là nội dung quan trọng nhất của kỳ họp bất thường lần thứ hai. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; cho ý kiến về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và một số nội dung khác.