Ngày lễ giỗ các Vua Hùng tại Đền thờ Vua Hùng ở xã Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bao giờ cũng diễn ra trong không khí tôn nghiêm, trang trọng nhất.
Hào khí nơi mảnh đất tận cùng của Tổ Quốc
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt cho rằng, trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, dân tộc ta đã lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường. Tự hào là “con Lạc - cháu Hồng” và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Cà Mau luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ra sức phát huy tiềm năng, lợi thế và tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
“Trước anh linh các Vua Hùng, chúng con xin nguyện: Tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt hơn, đổi mới sáng tạo hơn, xây dựng đô thị và nông thôn Cà Mau ngày càng văn minh, hiện đại” – ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, thay mặt Nhân dân và các bô lão trong vùng, ông Nguyễn Văn Quẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú kiêm Trưởng Ban quản lý Đền thờ Vua Hùng đọc chúc văn tri ân và kính cáo anh linh các Vua Hùng: “Chúng con nay nhớ lại tổ tông, năm mươi tư dân tộc, tìm về cội rễ! Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa….”
Dấu ấn tiền nhân
Gần 200 năm trước, Đền thờ Vua Hùng đã được tạo lập theo chân những người Việt mở đất đầu tiên nơi đây, sau đó hương khói truyền đời tại vùng Thới Bình, phía Bắc Cà Mau. Được xem là Đền thờ Vua Hùng lâu đời và xa nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ đó đến nay, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được các thế hệ cư dân nơi đây gìn giữ, tổ chức với tấm lòng thành kính thiêng liêng chưa hề gián đoạn. Năm 2011, Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Năm 2022, đúng dịp Lễ Giỗ Tổ, công trình trùng tu, tôn tạo Đền thờ Vua Hùng Cà Mau đã được khánh thành với cơ ngơi khang trang, không gian tôn kính.
Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những sự kiện quan trọng trong Chương trình “Cà Mau điểm đến 2024”. Theo truyền thống, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện các nghi thức trang trọng như thỉnh hương từ Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Đất Mũi về Đền thờ Vua Hùng; cháu con dâng hương, dâng lễ vật, chúc văn, trống thỉnh.
Đặc biệt, Đảng bộ, dân và quân đất Tổ Phú Thọ cũng tiến dâng lễ vật về Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau. Theo Ban Quản lý Đền thờ Vua Hùng, lượng quan khách về dự Giỗ Tổ đông hơn mọi năm, có hơn 2.000 lượt người từ khắp nơi về tri ân, tưởng nhớ. Phần hội của Lễ Giỗ Tổ cũng được huyện Thới Bình tổ chức với không khí rộn rã, phong phú gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm OCOP địa phương. Công tác tiếp đón quan khách khắp nơi về dự ngày Giỗ Tổ cũng được chuẩn bị chu đáo, thể hiện tấm lòng hiếu khách và nét đẹp về tính cách hào sảng, chân tình của người dân địa phương.
“Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người dân nơi đây đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người dân nhằm thể hiện lòng biết ơn của thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nơi đây mãi là địa chỉ để giáo dục truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta cho các thế hệ con cháu mai sau” - ông Nguyễn Văn Quẩn cho biết thêm.