Lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời: Duy trì một nếp đẹp

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Một vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp là những chú cá chép. Việc cúng cá chép sống làm phương tiện giao thông cho Táo quân về Trời, sau đó phóng sinh cũng là một nét nhân văn đáng gìn giữ, bảo tồn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự khôi phục nét đẹp văn hóa này cũng nảy sinh không ít những hệ lụy. Rõ thấy nhất là nạn xả rác, trong trường hợp này là túi nilon đựng cá khi phóng sinh khiến nhiều sông hồ của Hà Nội bị ô nhiễm nặng. Nhiều người vội công việc chỉ dừng xe trên cầu thả túi đựng cá, túi tro vàng xuống sông, cách hàng chục mét. Rơi từ trên cầu xuống, cá sẽ chết, nổi lên mặt sông gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua, các cấp chính quyền ban hành các văn bản yêu cầu người dân tham gia phòng chống rác thải nhựa và túi nilon, dùng thùng, chậu, buộc dây thả cá xuống sông, hồ. Bên cạnh đó, nhiều nhóm tình nguyện, đa phần là các bạn trẻ đã tham gia kêu gọi mọi người “thả cá không thả túi nilon” và chung tay thu gom túi nilon, rác thải mỗi dịp 23 tháng Chạp.

Những việc làm ý nghĩa đó không chỉ trực tiếp làm giảm thiểu lượng rác thải, túi nilon mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Điển hình có thể kể tới nhóm tình nguyện Keep Hanoi Clean - “Giữ gìn Hà Nội sạch” .

Với khẩu hiệu: “Táo quân chỉ thích cá không thích túi nilon”, Keep Hanoi Clean đã tổ chức nhiều tốp tình nguyện viên tới những địa điểm người dân thường thả cá như Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, cầu Long Biên, cầu Chương Dương… để thu nhặt túi nilon, hướng dẫn người dân thả cá đúng cách, truyền tải thông điệp không xả rác ra môi trường vì một Hà Nội sạch đẹp. Cũng nhờ vậy mà khuyến cáo thả cá, không thả túi nilon lan tỏa mạnh mẽ trong ngày ông Công ông Táo.

Trở lại với phong tục cúng và thả cá chép ngày 23 tháng Chạp. Để đáp ứng nhu cầu này, đã xuất hiện ngành dịch vụ làm ăn phát đạt. Đối với người dân Thủ đô, chợ cá Yên Sở quận Hoàng Mai là một địa điểm cung cấp khối lượng lớn cá chép đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu cúng ông Công ông Táo của người dân.

Hằng năm, cứ đến giáp Tết ông Công ông Táo nhất là đêm 22, rạng sáng 23 tháng Chạp khu chợ này lại tấp nập cảnh mua bán, vận chuyển cá chép đỏ. Hàng tấn cá chép từ những làng nghề nuôi cá nổi tiếng như Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình), Thủy Trầm (Cẩm Khê, Phú Thọ), Hội Am (Cao Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Tân Cổ, Bái Trúc (Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa) được đưa về đây, doanh số cả trăm triệu đồng tiền cá.

Phiên chợ sớm ngày ông Công ông Táo thường đặc biệt hơn với hàng triệu con cá chép với màu sắc đỏ, vàng rực rỡ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những chú cá khỏe mạnh được các tiểu thương lựa chọn theo kích cỡ, nhu cầu để cung ứng ra thị trường phục vụ người dân trong ngày tiễn ông Táo về trời.

Với một lượng cá lớn được tiêu thụ như vậy, dễ hình dung ra lượng túi nilon đựng cá thải ra các ao, hồ, sông… lớn thế nào nếu không được thu gom hoặc hạn chế sử dụng. Và như vậy, càng thấy sự cần thiết phải hình thành, duy trì một nét đẹp bên cạnh tục cúng cá chép và phóng sinh ngày 23 tháng Chạp: Không sử dụng túi nilon để thả cá, không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống mặt nước.

Duy trì nếp văn hóa bằng hành động thiết thực như vậy, cũng chính là người Hà Nội đã chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.