Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệnh trừng phạt Nga đã đạt hiệu quả

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các biện pháp trừng phạt Nga đã chứng minh được tính hiệu quả, và phương Tây đang xem xét bổ sung thêm.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã đạt được hiệu quả. Nguồn: CNBC
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã đạt được hiệu quả. Nguồn: CNBC

Ông cho biết “Hiện tại, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt trước đã đạt được hiệu quả và chúng tôi đang cân nhắc các biện pháp mới”.

Ông chứng minh: “Khi nhìn vào nguồn thu của Nga từ dầu mỏ đang giảm dần cũng như khối tài sản trị giá hơn 58 tỷ USD đã bị đóng băng, bạn sẽ thấy được các biện pháp này hiệu quả như thế nào. Không chỉ vậy, chúng sẽ phát huy hơn nữa theo thời gian. Vì vậy, chúng ta cần phải tự tin và kiên trì với điều mình đang thực hiện”.

Phát biểu của Bộ trưởng Bruno Le Maire được đưa ra sau một năm xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Tăng cường trừng phạt

Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Nga. Trong đó, lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu của nước này có hiệu lực từ ngày 5/2 - hai tháng sau khi phương Tây cố ngăn Nga tăng nguồn tài trợ cho chiến tranh bằng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Vào ngày 5/12/2022, nhóm G7 đã áp mức trần giá 60 USD đối với dầu của Nga, kèm theo lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển vào EU.

Nhiều nhà phân tích đã hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga.

Tuy nhiên, ông Le Maire yêu cầu châu Âu cần phải tuân thủ việc thực thi các biện pháp trừng phạt một cách quyết liệt và rõ ràng hơn.

Tuần trước, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga đã gây thiệt hại đáng kể cho Điện Kremlin.

Bà Yellen cho biết Nga hiện đang bị thâm hụt ngân sách đáng kể dù nền kinh tế nước này vẫn ở mức ổn định.

Vào hôm 23/2, vị bộ trưởng này cho biết: “Mức trần giá mà chúng tôi đưa ra đối với dầu của Nga rõ ràng đang làm giảm 50% nguồn thu từ dầu của nước này trong tháng 1 so với năm trước đó. Chúng tôi đang xem xét để đưa ra thêm nhiều biện pháp hơn nữa”.

Hiện các nền kinh tế G7 đã đồng ý xem xét lại mức trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga vào tháng 3 năm nay.

Thiếu sự đồng thuận

Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 diễn ra ở Ấn Độ vào cuối tuần qua, các bộ trưởng tài chính G20 và giám đốc ngân hàng trung ương đã không đạt được sự đồng thuận về một thông cáo chung nhằm lên án chiến sự Nga-Ukraine.

Thay vào đó, nước chủ nhà Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố chung sau khi hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày kết thúc. Cả Nga và Trung Quốc đều không xác nhận tuyên bố này.

“Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine để lại hậu quả nặng nề đối với cả con người và nền kinh tế toàn cầu. Có những quan điểm khác nhau về chiến tranh cũng như các lệnh trừng phạt và chúng tôi thừa nhận rằng G20 không phải là nơi để giải quyết các vấn đề an ninh,” theo tuyên bố chung.

Ấn Độ hiện đang giữ lập trường trung lập về cuộc chiến và tìm mọi cách chấm dứt khủng hoảng. Đồng thời, nước này đẩy mạnh mua dầu từ Nga bất chấp việc hầu hết các nước khác áp lệnh trừng phạt.

Cuộc họp G20 diễn ra sau khi Bắc Kinh kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời yêu cầu Kiev và Moscow ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt.

Hôm 23/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York đã ủng hộ một nghị quyết lên án việc Nga tấn công Ukraine. Trong đó, 141 quốc gia ủng hộ, 32 quốc gia bỏ phiếu trắng và 7 quốc gia bỏ phiếu chống.