Lệnh trừng phạt Nga là “con dao hai lưỡi” đối với EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 10 vòng trừng phạt, EU vẫn không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga.

EU chưa quyết gói trừng phạt thứ 11 chống Nga

Theo RT, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell ngày 24/4 cho biết, các ngoại trưởng khối này chưa đồng ý với gói trừng phạt mới chống Nga.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell. Ảnh: AP
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell. Ảnh: AP

Khi được hỏi liệu EU có áp lệnh cấm vận mới nhắm vào năng lượng hạt nhân của Nga hay không, ông Borrel nói khối này vẫn đang tiếp tục thảo luận.

Tuyên bố trên được ông Borrell đưa ra khi khối 27 quốc gia đang cân nhắc gói trừng phạt mới nhất đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo Bloomberg, EU đang lên kế hoạch cấm vận chuyển một số loại hàng hóa quá cảnh sang Nga trong gói trừng phạt 11, bao gồm hàng hóa công nghệ và một số loại phương tiện. Biện pháp trừng phạt mới nhất dự kiến sẽ hạn chế tối đa việc Moscow “né” các lệnh cấm vận hiện có.

Gói tiếp theo cũng có khoảng 30 danh sách mới và hạn chế hơn nữa các công ty và tổ chức của Nga, bao gồm cả Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom, Bloomberg viết.

Tuy nhiên, tờ Financial Times (FT) của Anh ngày 20/4 dẫn lời một số quan chức EU cho hay, khối này đã “cạn kiệt” các ý tưởng gây áp lực kinh tế đối với Nga và gói trừng phạt mới có thể bị giới hạn trong việc mở rộng danh sách cá nhân bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại.

Nhiều quan chức EU chia sẻ với FT rằng một số lĩnh vực, mặt hàng của Nga bị trừng phạt lại góp phần quan trọng vào sự phát triển của một hoặc nhiều quốc gia thành viên EU.

Các biện pháp trừng phạt mới được cho là sẽ nhắm vào xuất khẩu dịch vụ và nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành viên EU như Pháp hay Hungary. 

Cho đến nay, EU đã thông qua 10 vòng trừng phạt để phản ứng việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt đã nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, cũng như nhiều cá nhân và tổ chức của Nga. 

Theo FT, gần 1.500 người và hơn 200 pháp nhân ở Nga bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Những gói trừng phạt đã cấm các luồng thương mại song phương trị giá hơn 148 tỷ USD, bao gồm nhập khẩu năng lượng từ Nga, cũng như xuất khẩu công nghệ, máy móc và hàng điện tử. 

EU thiệt hại nhiều hơn so với Moscow vì lệnh trừng phạt

Theo hãng tin Tass, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 24/4 nói rằng người tiêu dùng ở châu Âu đang phải mua hàng hóa đắt hơn 10% do chính các biện pháp trừng phạt chống Nga của phương Tây gây ra.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Ông Peskov cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow là "con dao hai lưỡi" và đang gây thiệt hại cho chính các nước châu Âu.

Vị này cho hay những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng nền kinh tế Nga đã bị hủy hoại và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang có hiệu lực là sai sự thật.

Đồng thời, ông Peskov cũng khẳng định rằng việc Quỹ Tiền tệ quốc tế  (IMF) mới đây dự báo tăng trưởng GDP của Nga ở mức 0,7% trong năm nay là hoàn toàn có cơ sở.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói với đài RT, nhiều đợt trừng phạt không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga như dự định.

Theo Bộ trưởng Silunaov, Nga đang theo đuổi chính sách độc lập, cố gắng giảm thiểu tác động của những hạn chế chống lại nước này.

Đài RT dẫn lời nhiều nhà kinh tế và chính trị gia cho rằng, các lệnh trừng phạt gây thiệt hại cho phương Tây nặng hơn so với Nga.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần kêu gọi EU thay đổi chính sách trừng phạt, lưu ý rằng các lệnh cấm vận đối với Nga đang phản tác dụng.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ví các nỗ lực trừng phạt của EU nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga là hành động "tự sát" về kinh tế.