Lèo tèo thí sinh nộp hồ sơ vào trường top dưới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã quá một nửa thời gian đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 (từ 1 - 20/8) nhưng đến thời điểm này, nhiều trường ĐH ngoài công lập, CĐ công lập, CĐ cộng đồng chỉ có lác đác thí sinh đến nộp hồ sơ.

Hồ sơ ít, ảo nhiều

Đúng như nhiều chuyên gia dự đoán, cho dù có được Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng nhiều hình thức tuyển sinh, tuyển từ đầu năm 2015, nhưng đến nay nhiều trường ĐH ngoại công lập (NCL) số lượng thí sinh đến đăng ký rất ảm đạm. Nhiều trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ chỉ để là lựa chọn cuối cùng khi các em không còn cơ hội vào học ĐH. Bởi thế, không có gì lạ khi sau hơn 6 tháng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, một số trường ĐH NCL ở phía Bắc có số hồ sơ thu được chỉ vài trăm bộ. Đây có thể là một trong những lý do vì sao trang website của các trường ĐH Đại Nam, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Thành Đông…không cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển sinh.
Cán bộ trường Đại học Phương Đông tư vấn làm hồ sơ xét tuyển.
Cán bộ trường Đại học Phương Đông tư vấn làm hồ sơ xét tuyển.
Được coi là một trong ba trường ĐH NCL có danh ở đất Hà Thành, nhưng ĐH Phương Đông vẫn không thoát khỏi top những trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tính đến 10 giờ 30 ngày 11/8, ĐH Phương Đông mới nhận được khoảng 600 bộ hồ sơ trực tiếp (bao gồm xét tuyển 5 học kỳ THPT từ học bạ và hồ sơ xét từ kết quả thi THPT Quốc gia năm 2015). Thông tin về công tác tuyển sinh của trường này, ông Lê Hồng Trung - Phó ban Tư vấn tuyển sinh cho biết, cùng với 600 hồ sơ đăng ký trực tiếp, nhà trường nhận được hơn 1.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến. "Thực sự số người đăng ký trực tuyến chỉ là cung cấp số liệu. Mặc dù chưa lọc, nhưng chúng tôi thấy có sự trùng lặp rất nhiều, tính ra có đến 50% ảo. Còn số liệu đến nộp hồ sơ trực tiếp thì chưa biết ra sao"…

Hy vọng phép nhiệm màu

Trong tình cảnh các trường ĐH NCL gặp khó khăn như vậy, 11 ngày trôi qua, nhiều phòng tuyển sinh của trường CĐ, CĐ cộng đồng vắng hiu hắt, chỉ có nhân viên tuyển sinh ngồi chờ thí sinh đến. Hơn 9 giờ sáng qua (11/8), phóng viên đến trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, đứng quan sát trong hơn 20 phút nhưng không thấy bóng dáng một em thí sinh nào đến nộp hồ sơ. Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội cũng cùng cảnh ngộ. Phóng viên liên hệ gặp hiệu trưởng nhà trường để ghi nhận công tác tuyển sinh, nhưng bị trưởng phòng đào tạo từ chối vì sắp có cuộc họp và hẹn hôm khác gặp.

Chiều 11/8, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng rất vắng thí sinh đến đăng ký xét tuyển. Chờ một lúc, phóng viên mới thấy 1 thí sinh đến. Nguyễn Văn Hiếu đến từ huyện Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ: "Em thi THPT Quốc gia chỉ được 11,75 điểm, cho nên em quyết định xét tuyển bằng học bạ với điểm trung bình hơn 6,0. Sở dĩ em quyết định đăng ký ngành Công nghệ điện tử, bởi anh họ của em đã học ở trường tốt nghiệp dễ kiếm được việc làm ngay. Ngành này chỉ có chỉ tiêu 100, nên trong trường hợp không nằm trong top an toàn, em sẽ đăng ký vào trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội".

Thông tin với phóng viên về công tác nhận hồ sơ, ông Chu Khắc Huy - Hiệu trưởng CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, tính đến 11 giờ 15 phút ngày 11/8 trường thu được trên 326 hồ sơ xét tuyển theo 2 phương thức kết quả thi THPT Quốc gia và kết quả học bạ THPT. Như vậy, đã quá nửa thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 nhưng trường chưa nhận được tới một nửa hồ sơ của tổng chỉ tiêu 750.  Với đặc thù của đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật cho nên trường hy vọng những ngày còn lại sẽ có nhiều em đến nộp hơn. Và, năm nay với tình hình này, xét tuyển điểm trúng tuyển vào các ngành ngang bằng ngưỡng điểm đầu vào của Bộ GD&ĐT quy định đối với hệ CĐ (đối với xét kết quả thi THPT quốc gia và 16,5 điểm đối với xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn).

Trước tình cảnh khó khăn trong công tác tuyển sinh, một số lãnh đạo các trường ĐH NCL cho rằng Bộ GD&ĐT đã không tính toán, lường trước được tình hình. Theo Bộ, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 ở trường này thì không được đăng ký nguyện vọng 1 ở trường khác. Thế nhưng, đã và sẽ có nhiều thí sinh đạt trên điểm sàn của Bộ đồng thời xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia vào 1 trường và dùng học bạ công chứng nộp hồ sơ vào một số trường ĐH công lập khác. Đó là lý do sẽ có nhiều ảo ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1 trong khi Bộ quả quyết là không.
Tối 11/8, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các sở GD&ĐT phối hợp với các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và thay đổi nguyện vọng. Theo đó, thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác, được trực tiếp rút hồ sơ tại trường hoặc có thể tới sở GD&ĐT địa phương hay trường THPT do sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Các sở GD&ĐT, đến hết ngày 20/8, tổ chức thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng của thí sinh; cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh các thông tin thay đổi nguyện vọng của thí sinh.