Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lịch sử đằng sau kế hoạch hạt nhân của Nga ở Belarus

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin, thông báo mới đây của Nga về việc sẽ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ đồng minh Belarus là sự lặp lại thông lệ của Mỹ ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.


Nga mạo hiểm sau hai thập kỷ kiên nhẫn

Bất kể căng thẳng gia tăng đến đâu, dường như luôn tồn tại một thỏa thuận bất thành văn giữa Nga và Mỹ rằng chính sách hạt nhân và các hiệp định kiểm soát vũ khí được quyết định trên cơ sở an ninh, chứ không phải chính trị nội bộ. Điều này hiện không còn nữa.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc gặp ở Geneva, tháng 6/2021. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc gặp ở Geneva, tháng 6/2021. Ảnh: AP

Tổng thống Putin cuối tuần trước đã thông báo rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vì tình hình chiến sự ở Ukraine, đánh dấu động thái chưa từng có của Moscow kể từ giữa những năm 1990.

Nhưng đáng ngại hơn, theo giới chuyên gia, có lẽ là quyết định hồi tháng 2 vừa qua của ông chủ Điện Kremlin về việc đình chỉ sự tham gia của Nga đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại giữa Nga - Mỹ.

Động thái này từ lâu đã được cảnh báo sẽ làm mất cân bằng hạt nhân mong manh, vốn đã níu giữ hòa khí giữa các siêu cường hạt nhân.

Và Tổng thống Nga Putin hiểu rất rõ điều này. Trong hai thập kỷ qua, ông đã thể hiện sự nghiêm túc trong vấn đề kiểm soát vũ khí.

Năm 2000, nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình cắt giảm vũ khí chiến lược trong một bài phát biểu trước các nhà khoa học trong nước.

Đề cập đến các cuộc đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí START II và START III trước đó, Putin cho biết ông tìm kiếm sự ổn định để “làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn và giảm thiểu sự dư thừa vũ khí”.

Gần đây nhất là vào năm 2021, Tổng thống Putin đã thể hiện cam kết này với nhà đồng cấp người Mỹ Joe Biden, khi ông đồng ý gia hạn thêm 5 năm cho New START sau 10 năm ban đầu của nó.

Nhưng giờ đây, các chuyên gia an ninh lo ngại tuyên bố của Tổng thống Nga hồi tháng 2 về New START có thể là “dấu chấm hết” cho những hy vọng về giải trừ hạt nhân đa phương quốc tế - quy trình quan trọng được thiết kế để giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo rằng với quyết định của ông Putin, “toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí đã bị dỡ bỏ”.

Mặc dù, một số nhà quan sát đã lưu ý một điểm sáng trong thực tế là Đại sứ Nga tại Vienna, Dmitry Lyubinsky - có lẽ là cố vấn có ảnh hưởng nhất của Điện Kremlin về chính sách hạt nhân - đã nhấn mạnh rằng sự tham gia của Nga vào New START chỉ bị đình chỉ, thay vì bị hủy bỏ.

Nếu Nga chỉ đơn giản là tiếp tục tạm ngừng các cuộc kiểm tra vũ khí thì sẽ không có nhiều thay đổi, bởi các cuộc kiểm tra như vậy cũng đã bị đình chỉ mà không gây ra hậu quả gì trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Nhưng nếu tuyên bố của ông Putin có nghĩa là sẽ không có bất cứ thông báo nào từ Moscow nữa, thì điều này có thể dẫn đến các hiểu lầm nguy hiểm trong các vụ thử tên lửa.

“Nga chấm dứt việc duy trì thỏa thuận, dẫn đến việc ngừng thông báo cho Washington mỗi khi tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng thử, được bảo dưỡng, hoặc đưa vào kho.

Điều này tác động nghiêm trọng tới khả năng dự đoán của Mỹ, nhưng cũng là sự mạo hiểm không kém đối với Nga” - bà Rose Gottemoeller, người từng là trưởng đoàn đàm phán New START của Mỹ, cho biết - “Làm sao họ có thể lên kế hoạch cho các hoạt động hạt nhân của mình trong tương lai nếu họ không biết điều gì đang xảy ra trong lực lượng hạt nhân chiến lược của đối phương?”

Và kịch bản đáng ngại này đang thực sự diễn ra. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29/3 cho biết, Moscow đã dừng mọi hoạt động trao đổi thông tin với Washington sau khi đình chỉ Hiệp ước New START vào tháng trước.

“Tất cả các loại thông báo, tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hiệp ước sẽ bị ngừng, bất kể Mỹ đang ở vị trí nào” - ông Ryabkov trả lời báo giới khi được hỏi liệu Moscow có ngừng đưa ra thông báo cho Washington về kế hoạch thử tên lửa hay không.

Chuyên gia kiểm soát vũ khí Amy Nelson tại Viện Brooking nhận định, trong khi hoàn toàn hiểu được sự ổn định chiến lược và những rủi ro tiềm ẩn của việc đình chỉ New START, Tổng thống Nga Putin “sẽ tiếp tục chơi trò chơi kiểm soát vũ khí với các quy tắc của riêng mình. Và Mỹ sẽ buộc phải thích nghi”.

Hệ quả từ cách tiếp cận liều lĩnh của Washington

Trở lại tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Belarus của Nga hôm 25/3, Tổng thống Putin nói rằng động thái này được kích hoạt bởi quyết định của Vương quốc Anh về việc cung cấp cho Ukraine các loại đạn xuyên giáp có chứa “uranium cạn kiệt”.

Nhưng sâu xa, ông đặc biệt lưu ý việc Mỹ đã có hành động triển khai tương tự ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.

Thật vậy, các đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã được triển khai ở châu Âu từ giữa những năm 1950, và ước tính mới nhất cho biết hiện có 100 đầu đạn hạt nhân của nước này đang ở Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng nói, báo giới phương Tây đã tích cực lên án thông báo hôm 25/3 của ông Putin, nhưng lại né tránh thực tế rằng chính Mỹ, trong nhiều thập kỷ, đã đẩy mối nguy hạt nhân đến điểm bùng cháy như thế nào.

Việc Chính phủ Mỹ liên tục vi phạm cam kết không mở rộng NATO về phía Đông sau khi Bức tường Berlin sụp đổ được cho chỉ là một khía cạnh trong cách tiếp cận liều lĩnh của Washington. Trong thế kỷ này, việc phá vỡ các cam kết hạt nhân đã được Mỹ tăng tốc hơn bao giờ hết.

Năm 2002, ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ George W. Bush đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) - một thỏa thuận quan trọng đã có hiệu lực trong suốt 30 năm trước đó.

Được đàm phán bởi chính quyền Nixon và Liên Xô cũ, hiệp ước quy định rằng các giới hạn của ABM sẽ là “một yếu tố quan trọng trong việc kiềm chế cuộc chạy đua vũ khí tấn công chiến lược”.

Đến thời Tổng thống Barack Obama, Washington đã khởi động một chương trình trị giá 1,7 nghìn tỷ USD để phát triển hơn nữa các lực lượng hạt nhân của Mỹ, nhưng dưới cách nói uyển chuyển là “hiện đại hóa”.

Tệ hơn nữa, cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận quan trọng giữa Washington và Moscow đã có công loại bỏ toàn bộ danh mục tên lửa khỏi châu Âu kể từ năm 1988.

Trái ngược với cương lĩnh tranh cử năm 2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Biden đã thúc đẩy các biện pháp như đặt các hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở các quốc gia NATO mới là Ba Lan và Romania.

Việc gọi chúng là “biện pháp phòng thủ” không làm thay đổi thực tế rằng những hệ thống đó có thể được trang bị thêm tên lửa hành trình tấn công.

“Thay vì tránh xa chính sách bên bờ vực chiến tranh của những người tiền nhiệm, ông Biden lại đi theo sự dẫn dắt của họ. Không kịch bản nào về một cuộc tấn công hạt nhân trước của Mỹ lại có thể mang lại điều gì đó ý nghĩa. Chúng ta cần những chiến lược thông minh hơn” - Derek Johnson, Giám đốc điều hành của Sáng kiến quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân Global Zero, bình luận.