Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp quốc. |
Sau 72 năm thành lập, Liên Hợp quốc (LHQ) đang đối mặt với thách thức lớn trong việc cải tổ nhằm giải quyết cũng như điều phối những vấn đề phức tạp ngay tại thời điểm có nhiều diễn biến phức tạp đang xảy ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự bất đồng ý kiến giữa Mỹ - Nga xung quanh bản tuyên bố 10 điểm về cải tổ bộ máy đầu não của LHQ đang đặt ra dấu hỏi lớn: Liệu tổ chức này có cải tổ thành công?
Tương tự như các cuộc họp trước đó, sự kiện Đại Hội đồng LHQ diễn ra vào tháng 9 tiếp tục đặt ra vấn đề cải tổ bộ máy LHQ. Trong bài phát biểu đầu tiên trước LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ quan điểm về vấn đề này. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra tuyên bố chính trị 10 điểm ủng hộ Tổng Thư ký Antonio Guterres trong việc cải tổ Ban thư ký LHQ. Tính đến thời điểm này, có khoảng 130 quốc gia đã ký kết các đề xuất cải cách LHQ do người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra. Mặc dù vậy, vẫn còn một số quốc gia đánh giá đây là gói cải tổ tham vọng, cần có một lộ trình cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, bản tuyên bố này không nhận được sự đồng tình từ Nga. Ông Vassily Nebenzia - Đại sứ Nga tại LHQ chỉ trích, bản tuyên bố của Washington đã không có bất kỳ sự tham vấn trước hay sau khi được công bố. "Mỹ hay những nước có cùng suy nghĩ sẽ không thể tiến hành cải tổ LHQ mà không có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên", đại sứ Nga tại LHQ nhấn mạnh. Theo đại diện từ Nga, bất kỳ sự cải tổ nào của LHQ đều không thể thông qua bằng các tuyên bố suông mà bằng các cuộc đàm phán liên chính phủ giữa các nước thành viên.Tuy nhiên, với tư cách là quốc gia đóng góp cao nhất cho LHQ, bỏ xa Trung Quốc và Nga cũng như Anh, Pháp, Đức, Nhật, bản tuyên bố do Washington soạn thảo là một chiến thuật khôn khéo, vận động được sự đồng thuận của các nước ký kết, cho phép hóa giải xung khắc giữa chính quyền Tổng thống Trump và LHQ. Hiện tại, Washington cung cấp 28,5% trong số 7,3 tỷ USD chi phí cho các chiến dịch quốc tế và 22% ngân sách hoạt động của LHQ.