Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chuỗi giá trị nông sản: Không thể thiếu vai trò doanh nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển liên kết chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ là chủ trương xuyên suốt của ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam. Ở đó, vai trò của các DN được xem là hết sức quan trọng.

Số DN tham gia liên kết còn ít
Từ năm 2002, các chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, cụ thể hóa bằng Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Và mới đây nhất là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Doanh nghiệp và nhà sản xuất trao đổi cơ hội hợp tác bên lề một hội chợ nông sản được tổ chức tại Hà Nội.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến nay, cả nước đã có 35/63 tỉnh, TP ban hành chính sách liên kết chuỗi giá trị nông sản (trong đó, có 33 tỉnh, TP ban hành Nghị quyết của HĐND); 24 tỉnh, TP ban hành danh mục các ngành hàng sản phẩm chủ lực; 12 tỉnh, TP ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết…
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, các địa phương, đến nay, cả nước đã có 1.478 mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, chủ yếu là các loại rau củ quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, cá tra… Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp đang thu hút sự tham gia của ngày một nhiều các DN.
Hiện, cả nước có khoảng 9.235 DN đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có một số tên tuổi lớn như Vingroup, T&T, Nafoods, Vinamilk, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Đồng Giao… Dù vậy, trong số này chỉ có 1.082 DN tham gia vào các chuỗi liên kết (chiếm gần 12% tổng số DN nông nghiệp).
Hai rào cản cần tháo gỡ 
Dù mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Đơn cử như khả năng liên kết của người nông dân còn yếu. Số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết còn phổ biến.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng chung quan điểm: Nếu thiếu sự liên kết trong sản xuất – tiêu thụ, nông sản Việt sẽ không thể tối đa hóa giá trị và rất khó cạnh tranh ngay trên sân nhà khi hội nhập kinh tế quốc tế. Ở đó, hai rào cản thúc đẩy liên kết được đề cập tới nhiều nhất là vốn và sự tham gia của các DN.
Liên quan đến bài toán vốn, Trưởng phòng Tín dụng nông nghiệp (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước) Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đơn vị xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, dư nợ đối với nông nghiệp, nông thôn hiện đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay liên kết chuỗi đạt trên 6.200 tỷ đồng.
Theo bà Thanh Tùng, để thúc đẩy cho vay phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản, các bộ ngành cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, bảo đảm phù hợp quy hoạch từng vùng miền và nhu cầu thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện để người sản xuất, đặc biệt là các DN tiếp cận ứng dụng khoa học – công nghệ.
Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của các DN trong liên kết chuỗi, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, thời gian tới, các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản và khai thác ưu đãi từ các nước thành viên CPTPP, đáp ứng khả năng cạnh tranh của nông sản hội nhập. Qua đó, thu hút các DN tham gia sâu rộng vào liên kết chuỗi.

"Để tăng cường liên kết, gia tăng giá trị cho nông sản, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi thói quen của người sản xuất gắn với thị trường và tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các nhà phân phối tiếp cận vùng sản xuất, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm… " - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trung