Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết vùng phát triển kinh tế địa phương: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Tôi hy vọng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau kéo sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới”

Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương do Tạp chí Kinh doanh tổ chức ngày 3/8, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

Các đại biểu cho rằng, ho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội
Các đại biểu cho rằng, ho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội

Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò đầu tàu

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn, thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra một số vấn đề cần thiết mà một địa phương không thể tự giải quyết được. Do vậy, đòi hỏi các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế vùng, nội vùng, đồng thời cùng giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19, trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế phải sớm được khắc phục, hoàn thiện về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…

Thời gian vừa qua, liên kết vùng đã có chuyển biến tích cực. Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả như: Đẩy mạnh kết nối cung cầu thông qua các Chương trình, Đề án cấp quốc gia và địa phương; Tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; Lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khác.

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố. “Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng kinh tế- xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ” - ông Tuấn cho biết.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. “Và liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức” - ông Thịnh nhận định. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Bứt phá khỏi cách làm cũ, kết nối hợp lý

Từ những ưu điểm và hạn chế của liên kết vùng thời gian qua, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh, điều cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Để liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương. Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững…

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế”.

Theo đó, Viện trưởng CIEM khuyến nghị, các DN, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.