Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên minh trong tổ chức

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) năm nay là lần đầu tiên hội họp trực tiếp sau 2 năm chỉ có thể hội họp trực tuyến do tác động của dịch bệnh.

Một trong những diễn biến có ý nghĩa đặc biệt ở khóa họp này là sự tập hợp thành tổ chức của các vị nữ đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên LHQ. Họ đã chính thức thành lập "UNGA Platform of Women Leaders", tạm dịch là Nền tảng của nữ lãnh đạo trong Đại hội đồng LHQ.

Tôn chỉ mục đích của liên minh mới này trong LHQ được Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ "UN Women" của LHQ, bà Sima Bahous thể hiện ở phát biểu rằng liên minh này "tìm kiếm mọi con đường thể hiện thế mạnh của nữ lãnh đạo". Điểm xuất phát ở đây là nhận thức cho rằng chính trong thời buổi, bối cảnh khủng hoảng, tất cả mọi người trên trái đất có thể được lợi nhiều hơn khi có nhiều phụ nữ lãnh đạo nhà nước quốc gia và tổ chức quốc tế.

Thực chất ở đây là mục tiêu thực hiện và tăng cường bình đẳng giới, để cho phụ nữ có được vị thế, vai trò, ảnh hưởng quyền lực to lớn hơn và thiết thực hơn ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Những dữ liệu thống kê sau cho thấy bước đi nói trên trong LHQ là rất cần thiết và đúng hướng. Trong số 193 nước thành viên hiện tại của LHQ chỉ có ở 28 nước thành viên có phụ nữ đảm trách cương vị đứng đầu nhà nước hay chính phủ.

Phụ nữ chỉ chiếm 21% số thành viên chính phủ của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện tại, chỉ chiếm 26% tổng số các vị dân biểu trong quốc hội của các quốc gia trên thế giới. Ngay như trong ngày đầu tiên của khóa họp Đại hội đồng LHQ năm nay cũng chỉ có 2 trong tổng số 33 diễn giả là phụ nữ.

Việc tập hợp nữ lãnh đạo trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ sẽ hậu thuẫn đắc lực và thiết thực cho hoạt động của Ủy ban của LHQ về phụ nữ nói riêng và giúp tăng cường vị thế và vai trò của phụ nữ trong thế giới hiện đại nói chung.