Trạm bê tông đã hoạt động 25 năm
Kể từ thời điểm tháng 10/1992 (khi nhà nước giao đất theo Nghị định 64) đến tháng 10/1998, hộ ông Nguyễn Tiến Doãn, thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín đã sử dụng 3.900m2 đất ở thôn Khôn Thôn để sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1998, khi triển khai thực hiện hiện dự án thi công xây dựng tuyến đường tránh Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến khu đất 3.900m2 của gia đình ông Doãn đã trở thành nằm xen kẹt gần khu dân cư và vị trí thi công dự án.
Do đó, đơn vị thi công đã thuê diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Doãn để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và bãi tập kết xe phục vụ thi công dự án xây dựng tuyến đường tránh Pháp Vân - cầu Giẽ.
Đến năm 2004, khi dự án xây dựng tuyến đường tránh Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành, đơn vị thi công đã bàn giao trả lại mặt bằng đất cho hộ ông Doãn. Tại thời điểm này, hiện trạng khu đất đã được san lấp mặt bằng không có khả năng canh tác.
Do việc cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và không thể canh tác được, năm 2008, ông Doãn thành lập Công ty xây dựng Nam Hà Nội, đồng thời tiến hành xây dựng các hạng mục công trình để sản xuất bê tông tươi và cọc bê tông.
Việc sản xuất bê tông tươi và cọc bê tông của ông Doãn chỉ kéo dài đến năm 2019 rồi phải dừng hoạt động. Vì nhiều lý do khách quan nên ông Doãn đành phải để trống mặt bằng và hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất cho đến tháng 4/2022.
Tháng 5/2022, ông Doãn ký hợp đồng cho Công ty TNHH vận tải thương mại Việt Phát do ông Trần Văn Ngọc làm giám đốc thuê lại diện tích 3.9002 mặt bằng đất đã có sẵn một số nhà xưởng và dây chuyền trạm trộn sản xuất bê tông tươi.
Trong quá trình sản xuất, tháng 11/2022, Công ty đã để gây ô nhiễm môi trường và bị Công an huyện Thường Tín xử phạt vi phạm hành chính 53 triệu đồng.
Công ty chấp hành thực hiện
Công ty đã chấp hành thực hiện và nộp phạt theo quy định. Cùng với đó, để đảm bảo môi trường, Công ty đã xây 5 bể chứa nước thải trong quá trình sản xuất, rửa các thiết bị sản xuất, cho lắng đọng chất thải tại các bể để tái sử dụng nước đã được xử lý vào quá trình sản xuất bê tông, tránh gây lãng phí.
Đối với các chất thải lắng đọng tại các bể xử lý, Công ty thu gom và thuê công ty môi trường vận chuyển đi xử lý theo quy định. Ngoài việc giải quyết về môi trường, Công ty còn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm xe ô tô chuyên dụng cùng các máy móc và giải quyết việc làm cho 40 lao động người địa phương.
Liên quan đến nội dung này, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Trọng Đô khẳng định: Ngày 16/3/2023, Đội đã cùng các phòng, ban và UBND xã kiểm tra hiện trạng hạng mục công trình của Công ty. Qua đó chưa đủ căn cứ xác định quá trình sản xuất bê tông gây ô nhiễm môi trường như thông tin phản ánh.
Đối chiếu với hồ sơ vi phạm lập tháng 8/2008 của UBND xã Minh Cường với kết quả kiểm tra hiện trạng thực tế nhận thấy thời điểm công ty sử dụng chỉ phát sinh thêm công trình gồm nhà để xe, nhà bảo vệ và công trình cũ cho công nhân ở xây dựng thêm diện tích 300m2 trên toàn bộ khu đất 4.900m2.
Để làm rõ những thông tin trái chiều trong quá trình sản xuất liên quan đến trạm trộn bê tông Việt Phát thời gian qua, ngày 28/2/2023, UBND huyện Thường Tín ban hành văn bản số 110/PGV-UBND giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc nhằm làm rõ bản chất sự việc.
Qua trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản được biết, hiện nay các đơn vị trong đoàn kiểm tra của huyện đã kết thức kiểm tra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thời gian qua huyện vẫn chưa ban hành được kết luận về hoạt động sản xuất bê tông tươi và việc sử dụng đất của Công ty TNHH vận tải thương mại Việt Phát.
Ông Thản cũng chia sẻ thêm: Trạm trộn bê tông tươi ở thôn Khôn Thôn đã hoạt động và tồn tại từ 25 năm qua nên được xác định không phải là vi phạm mới. Còn từ khi Công ty TNHH vận tải thương mại Việt Phát thuê lại mặt bằng sản xuất bê tông cũng đã có trách nhiệm, chấp hành khắc phục một số nội dung nhằm bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trạm bê tông còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động là người địa phương. Không những vậy, trạm bê tông còn là địa điểm cung cấp bê tông tươi đảm bảo chất lượng cho các công trình xây dựng của người dân và nhà nước trên địa bàn huyện nên chưa lần nào xảy ra đơn thư cũng như sự cố khác.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, khi nhiều địa phương trong huyện đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận, trên địa bàn huyện cũng rất cần có trạm bê tông để cung cấp bê tông phục vụ nhu cầu xây dựng trong quá trình đô thị hóa.
Đồng thời, khi ở mỗi khu vực có được trạm bê tông cũng sẽ hạn chế việc xe ô tô đi lại dễ làm hư hỏng mặt đường và kéo giảm tai nạn giao thông. Do vậy, trước mắt trong khi chờ ban hành kết luận, UBND huyện tạm thời để trạm bê tông hoạt động nhưng sẽ phải khắc phục một số nội dung dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng huyện.
Đối với việc xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích của Công ty sẽ được UBND huyện xem xét xử lý theo quy định để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, huyện giao cho cơ quan chuyên môn khảo sát, tìm vị trí phù hợp quy hoạch để doanh nghiệp tham gia đấu thầu đất làm mặt bằng lắp đặt trạm bê tông.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.