Liệu châu Âu có đủ sức hỗ trợ Ukaine như Mỹ ?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực của EU trong việc lấp đầy khoảng trống của Mỹ tại Ukraine đang gặp khó.

Trước việc Mỹ ngày càng “ngó lơ” Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải nỗ lực bù đắp bằng các cam kết hỗ trợ quân sự mới cho Kiev. Đối với EU, một thắng lợi mang tính chiến lược của quân đội Ukraine trước Nga sẽ góp phần bảo vệ sân sau quan trọng của lục địa già.

Đức, Anh và Na Uy đang tăng cường sản xuất vũ khí, đặc biệt là các loại đạn pháo mà Ukraine cần lúc này. Cách đây một tuần, Đức tuyên bố rằng sẽ tăng gấp đôi các khoản viện trợ lên đến 8,5 tỷ USD vào năm 2024, cũng như cung cấp thêm hệ thống phòng không quan trọng vào cuối năm nay. Đức và Ukraine đang có mối quan hệ gắn kết hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu do Viện Kiel công bố từ tháng 7, Berlin là nhà viện trợ quân sự lớn thứ hai sau Mỹ cho Ukraine.

Quân đội Ukraine tấn công cứ điểm quân sư của Nga tại khu vực Kerson. Ảnh: The New York Times
Quân đội Ukraine tấn công cứ điểm quân sư của Nga tại khu vực Kerson. Ảnh: The New York Times

Các thành viên Liên minh châu Âu lên kế hoạch đào tạo thêm 10.000 binh sĩ Ukraine, nâng tổng con số hiện nay lên 40.000 quân.

Tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết rằng quốc gia này cũng đang nỗ lực hỗ trợ Kiev.

Tuy nhiên, Ukraine đang chật vật tiến hành các cuộc phản công vốn đã bị đình trệ, nhất là khi mùa Đông sắp đến. Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia dần chuyển hướng ưu tiên sang xung đột Hamas-Israel khiến các yêu cầu viện trợ của quan chức Kiev khó được chấp thuận.

Không những vậy, ngày càng nhiều lo ngại về việc EU sẽ gặp thất bại trong việc duy trì sự ủng hộ với Kiev. Cam kết về việc cung cấp một triệu viên đạn pháo 155 mm trong vòng một năm cho Ukraine có thể sẽ không thành hiện thực.

“Thực tế cho thấy con số một triệu viên đạn khó có thể đạt được như cam kết, cũng như thời hạn chuyển giao vào tháng 3/2024 có thể sẽ phải trì hoãn” – Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết ngay trong tuần này.

Các quan chức châu Âu đang tỏ ra lo ngại về sự suy giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc viện trợ cho cuộc chiến nếu Tổng thống Biden không thể tái đắc cử.

Trong tháng này, Đảng Cộng hòa tại Hạ Viện đã bác bỏ kế hoạch viện trợ khẩn cấp trị giá 105 tỷ USD của ông Biden cho một số ưu tiên, trong đó gồm cả khoản viện trợ 61,4 tỷ USD giành cho Kiev.

“Châu Âu phải sẵn sàng hỗ trợ Ukraine về chính trị, quân sự và liên tục làm điều đó, thậm chí có thể thay thế Mỹ nếu nước này không còn ủng hộ Kiev” - Josep Borrell Fontelles, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, cho biết.

Ngay khi Nga khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải thừa nhận rằng lực lượng quân đội cũng như sức mạnh quốc phòng của khối chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn với Moscow.

“Thực tế rất phũ phàng, nhưng châu Âu cần phải đoàn kết để hỗ trợ Ukraine, quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng” – Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết.

Còn nhà ngoại giao hàng đầu của Estonia Yonatan Vseviyov nhấn mạnh rằng nếu phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraine, đất nước này sẽ không còn nữa cũng như nền an ninh châu Âu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Hiện tại, các nước châu Âu đã có những động thái khác nhau đối với Ukraine.

Trong khi Slovakia tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho Kiev, cũng như Hungary đang cố ngăn cản nỗ lực tài trợ cho cuộc chiến của EU, ngược lại, chỉ riêng hôm thứ sáu, Hà Lan, Phần Lan và Litva lần lượt công bố các khoản hỗ trợ quốc phòng mới. Trong đó, khoản hỗ trợ lớn nhất thuộc về chính phủ Hà Lan với giá trị lên đến 2,1 tỷ USD vào năm 2024.

Bỉ cũng tuyên bố sẽ cấp cho Ukraine gần 1,85 tỷ USD tiền thuế thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga vào năm tới.

Bất chấp sự thất bại của cam kết góp 1 triệu viên đạn cho Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng ít nhất điều này cũng giúp hồi sinh nghành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Camille Grand, trợ lý tổng thứ ký NATO về đầu tư quốc phòng, cho biết năng lực sản xuất đạn dược của châu Âu được cải thiện đến mức có thể sánh ngang với sản lượng đạn dược của Mỹ vào cuối năm này nếu duy trì lượng sản xuất ổn định.