Linh hoạt giải pháp nhưng cần tuân thủ quy định

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Câu chuyện thiếu thuốc, VTYT luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thường chỉ xảy ra cục bộ ở một số loại và muốn đáp ứng đủ nhu cầu thì bệnh viện phải chủ động trong việc dự báo tình hình, áp dụng linh hoạt các giải pháp nhưng cần tuân thủ quy định.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, đầu năm, bệnh viện thiếu thuốc điều trị ung thư do nguồn cung nhưng đến giờ đã có 3 công ty báo giá cung cấp nên việc thiếu thuốc đã được giải quyết.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, bệnh viện không rơi vào tình trạng thiếu thuốc, VTYT nhiều là do bộ phận chức năng liên tục kiểm tra số lượng thuốc, lên kế hoạch dự trù mua sắm, khi thấy nguy cơ thiếu thuốc, phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; sau khoảng 30 - 90 ngày sẽ có thuốc. Một số tình huống bệnh viện được phép mua quá 30% để tránh tình trạng thiếu thuốc trong vài tháng chờ thầu mới thì vẫn có thuốc dùng.

Thời gian qua nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Ảnh: Phạm Hùng
Thời gian qua nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho biết, do có sự chuẩn bị trước nên bệnh viện không rơi vào tình trạng thiếu VTYT. Về thuốc tương đối đủ, chỉ thiếu các vị thuốc y học dân tộc, tuy nhiên đây là tình trạng chung của các đơn vị, do công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn.

TS Nguyễn Văn Thường- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, cùng với việc tập trung nghiên cứu và thực hiện các quy định mới của cấp có thẩm quyền, đơn vị đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, có những giải pháp đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc, VTYT phục vụ người bệnh.

Ngoài ra, theo lãnh đạo một số bệnh viện ở Hà Nội, hiện bệnh viện vẫn đang đáp ứng cơ bản thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác KCB. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, không phải lúc nào cũng bảo đảm 100% vì với một bệnh viện lớn như Bạch Mai, việc thiếu cục bộ hóa chất, thuốc là không tránh khỏi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay quy định về đấu thầu đối với thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Các quy định đã tạo hành lang pháp lý, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các chủ đầu tư chủ động thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập kịp thời mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế phục vụ nhu cầu KCB.

Bộ Y tế cũng đề nghị, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.

Hiện nay, người bệnh đang chờ đợi Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy định Điều 31 của Luật BHYT để có cơ chế pháp lý thêm vào trong trường hợp vì điều kiện bất khả kháng và khách quan mà người bệnh đi khám tại cơ sở y tế nhưng cơ sở y tế không có thuốc thì được quỹ BHXH chi trả.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang, thời gian qua, Vụ BHYT đã lấy ý kiến các đơn vị của 36 tỉnh, TP và đã khảo sát báo cáo tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. 63 sở y tế đã báo cáo và cho biết đến nay cơ bản đủ thuốc, chỉ một số trường hợp do mở thầu chưa thành công. Vụ BHYT sẽ trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế xem xét về Thông tư này. Hiện, Vụ Pháp chế đang thẩm định và Vụ BHYT triển khai nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ trưởng.