Các đại biểu thả chim hòa bình tại đại lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng Liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Minh Tâm-TTXVN) |
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, đại lễ cầu siêu là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, báo ân của đạo Phật.
Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang là một trong những nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất trong chiến đấu bảo vệ biên giới, đã có hàng ngàn chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh, nhưng hiện nay mới quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được một phần.
Việc quy tập các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Hà Giang đang quyết tâm thực hiện.
Đại lễ cầu siêu cũng là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tri ân các anh hùng liệt sĩ và cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 313 thắp hương đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN) |
Tại lễ cầu siêu, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa anh linh các anh hùng, liệt sĩ; tưởng niệm, nguyện cầu cho anh linh những người lính đã ngã xuống và nghi thức phóng sinh cầu cho quốc thái dân an, hòa bình thịnh vượng.
Nhân dịp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tặng quà tri ân, động viên các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang.