Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo cho xuất khẩu dệt may

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm 2019, mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may vẫn tăng trưởng nhưng DN trong lĩnh vực này phải đối mặt với nhiều khó khăn như “đầu vào” không ổn định, đơn hàng khan hiếm… Để có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK đạt 40 tỷ USD trong năm nay, DN dệt may phải tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

 Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Hoài Nam

Đơn hàng bằng 70% năm trước
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng qua, kim ngạch XK ngành dệt may đạt 27,4 tỷ USD, giữ vị trí trong top 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặc dù kim ngạch XK hàng dệt may vẫn tăng trưởng nhưng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, DN dệt may đang đối mặt với việc khan hiếm đơn hàng XK khi lượng đơn hàng chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Ngay cả các DN lớn như May 10, May Nhà Bè, Hanosimex... chỉ có đơn hàng XK đến tháng 11, cá biệt có Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm.
DN quản lý sản xuất, quản lý con người theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, không để lãng phí bất kỳ nguồn lực nào thì mới có thể tồn tại được trong thị trường đầy biến động hiện nay.
Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu 
Lý giải nguyên nhân khan hiếm đơn hàng XK, các DN dệt may cho rằng, những năm trước các đơn hàng XK hầu hết đều có số lượng lớn nhưng từ đầu năm đến nay, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn nên các đơn hàng đang có xu hướng bị chia nhỏ. Đặc biệt, đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước Banglades, Campuchia thay vì vào Việt Nam như trước đây. Có như vậy là do để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như: Giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy XK khiến nguy cơ mất đơn hàng của các DN Việt Nam ngày càng cao. Ngay tại thị trường nội địa, DN dệt may Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Giải thích việc tiêu thụ sợi và phụ kiện giảm mạnh, đại diện Vitas nêu rõ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã phần nào ảnh hưởng đến ngành dệt may. Dễ nhận thấy nhất là thị trường XK chủ lực của ngành dệt là Trung Quốc đã cắt giảm lượng nhập hàng khiến tăng trưởng XK sản phẩm sợi chỉ đạt 1,1%. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, trong khi đó tiền Việt Nam đồng vẫn ổn định khiến hàng hóa gia công tại Việt Nam có giá cao hơn so với một số nước trong khu vực, ảnh hưởng đến các đơn hàng XK, đặc biệt với nhóm hàng dệt may.
Chủ động tìm kiếm thị trường
Để hàng dệt may đạt kim ngạch XK 40 tỷ USD, từ nay đến cuối năm, DN dệt may cần phải tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường XK.
Để ký được các đơn hàng XK dệt may dài hạn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Hoàng Ngọc Ánh cho rằng, DN cần tuân thủ các quy định khắt khe về nhãn hàng, chất lượng sản phẩm. Các DN dệt may cần đẩy mạnh liên kết trong quá trình tìm kiếm đơn hàng, đồng thời hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng, quan trọng hơn cả chính là các DN ngành dệt may phải chủ động tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và CPTPP, xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hai thị trường tiềm năng Canada và Úc. “Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may đạt hơn 13 tỷ USD/năm, trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Đáng nói là, hiện Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do với Canada nên CPTPP là cánh cửa giúp dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này.
Do đó, các DN cần nắm bắt thời cơ, chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu Canada” - bà Thu Trang dẫn chứng. Về lâu dài, muốn ổn định được đơn hàng, DN trong nước phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, đồng thời cần tự nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý chuẩn theo thực trạng của DN.
Còn theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, để phù hợp với những biến động thị trường, thời gian tới, DN dệt may cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Những tháng cuối năm, bên cạnh việc tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất, DN cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Ngoài ra, DN cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.