Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo đầu ra cho nhãn chín muộn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, các vườn nhãn chín muộn (NCM) trên địa bàn Hà Nội bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, NCM được mùa với sản lượng lên tới trên 10.000 tấn, song khâu tiêu thụ được nhận định sẽ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid–19. Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.

 Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội và DN đánh giá chất lượng nhãn chín muộn năm 2020. Ảnh: Ánh Ngọc

Được mùa vẫn lo
Ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) có 1,1ha trồng NCM chia sẻ: “Năm nay, nhãn được mùa với năng suất hơn 20 tấn/ha. Dù đã có một số thương lái gọi điện đặt mua song chưa đi đến thỏa thuận bởi họ đưa ra mức giá thấp hơn 20% so với năm ngoái. Với mức giá này, người trồng nhãn chỉ có công chứ không lãi nhiều. Trong khi đó dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến người trồng nhãn không khỏi lo lắng về đầu ra của sản phẩm”.
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thành Lý Đình Quang, hiện nay toàn xã có 115ha NCM, niên vụ năm 2020, nhãn được mùa ước tính cho sản lượng đạt 2.500 tấn, gấp 3 lần so với năm 2019. Với sản lượng lớn như năm nay, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ lại trở thành nỗi trăn trở của các nhà vườn.
Tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức), ông Trần Văn Bảy, chủ vườn hơn 1ha cho hay, 3 năm gần đây NCM của gia đình đều được thu mua để xuất khẩu. Năm nay, sản lượng tăng, chất lượng nhãn tốt nhưng chưa có DN nào đặt vấn đề xuất khẩu, chủ yếu là thương lái đến đặt mua hàng.
NCM Hà Nội có chất lượng tốt, quả sáng, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao, vị ngọt, cùi giòn, có mùi thơm đặc trưng. Điểm thuận lợi nhất là nhãn chín muộn có thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà một tháng (từ 20/8 - 20/9) nên người dân khá yên tâm về khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của NCM hiện nay là tiêu thụ ở dạng quả tươi, không qua sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác nên giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Kéo doanh nghiệp xích gần nông dân
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, những năm trước, NCM Hà Nội đã xuất khẩu sang Malaysia, Mỹ, Ba Lan và Australia. Năm nay, người dân kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu được nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay trước ngày thu hoạch, diễn biến dịch bệnh Covid-19 lại phức tạp khiến nhiều người lo lắng đầu ra không thuận lợi. Để chủ động giải pháp tiêu thụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã mời DN về thực tế các vườn nhãn đánh giá chất lượng quả, đồng thời tạo cơ hội để DN xuất khẩu và các hợp tác xã trao đổi kế hoạch xúc tiến thương mại. “Cùng với việc tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn khai thác tốt thị trường tiêu thụ trong nước, Sở tăng cường các hoạt động quảng bá, hợp tác quốc tế hướng tới xuất khẩu nhãn sang thị trường phù hợp” – ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Nhận định năm 2020, khâu tiêu thụ của NCM gặp không ít khó khăn nên ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã trồng NCM quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Là 1 trong số DN vừa ký kết hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai), Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế BamBoo Nguyễn Đức Hưng cho hay, NCM của Hà Nội có trái to, vị ngọt, cùi giòn, mùi thơm đặc trưng. Những năm trước, công ty chủ yếu xuất khẩu nhãn Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, năm nay công ty sẽ chào hàng NCM Hà Nội sang thị trường Canada, Singapore và Australia.
Thực tế hiện nay chỉ khoảng 30 - 40% sản lượng NCM được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP, còn lại do nông dân tự tiêu thụ qua tư thương nên giá thành bấp bênh. Do đó, việc chủ động tìm đầu ra cho NCM thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với các DN là rất cần thiết. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm cắt giảm các khâu trung gian, đem lại lợi ích cho cả người trồng nhãn và DN.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có hơn 650ha NCM (HTM1, HTM2), được trồng tập trung tại hai huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số xã của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng… NCM được TP lựa chọn là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô.