Lo dự luật tránh vỡ nợ bị chặn tại Quốc hội, chứng khoán Mỹ ảm đạm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ trái chiều trong ngày 30/5 do chịu áp lực bởi lo ngại về việc các nhà lập pháp tại Hạ viện sẽ phản đối thỏa thuận nâng trần nợ công.

Chứng khoán Mỹ phân hóa trong phiên ngày 30/5. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ phân hóa trong phiên ngày 30/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones sụt 50,56 điểm (tương đương 0,15%) về mức 33.042,78 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cộng 0,002% lên 4.205,52 điểm, sau khi liên tục trồi sụt trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ nhích 0,32% lên 13.017,43 điểm sau khi tăng tới 1,4% vào đầu phiên.

Chỉ số Nasdaq Composite đã được hỗ trợ nhờ mức leo dốc gần 3% của Nvidia. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cổ phiếu của “ông lớn” bán dẫn đã có lúc chạm mức vốn hóa 1.000 tỷ USD - một cột mốc mà chỉ rất ít doanh nghiệp từng đạt được.

Dù gần như đi ngang trong phiên này, chỉ số S&P 500 đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều đang trên đà hoàn tất một tháng tăng điểm. Trong khi đó, Dow Jones có thể chứng kiến tháng mất điểm. Phiên ngày thứ Tư sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5.

Tâm lý của giới đầu tư Phố Wall vào thời điểm này là thận trọng và chờ đợi.

Cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt thỏa thuận đình chỉ trần nợ cho tới tháng 1/2025 và hạn chế một số khoản chi tiêu của Chính phủ liên bang.

Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật trần nợ công sớm nhất vào ngày 31/5. Để dự luật trên được thông qua, cần có sự ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. 

Chủ tịch Hạ viện McCarthy hôm 30/5 nói dự luật này có thể “dễ dàng” để các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu và thông qua, nhưng một số người Cộng hòa ở cánh hữu tuyên bố phản đối thỏa thuận tránh vỡ nợ.

Những cuộc đàm phán kéo dài giữa Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã khiến thị trường Phố Wall lo ngại rằng một vụ vỡ nợ có thể xảy ra. Bất chấp việc hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, con đường để thông qua dự luật tại Hạ viện vẫn còn chông gai trong bối cảnh xuất hiện sự phản đối ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng Cộng hòa.

“Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu cuộc bỏ phiếu đầu tiên chứng kiến sự thất bại và họ sẽ phải làm lại. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng rằng một thỏa thuận trần nợ sẽ được thông qua trước ngày 5/6, thời điểm mà vỡ nợ có thể xảy ra”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA nói với với hãng tin Reuters.

Bên cạnh đó, quan ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 tới cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong tuần này.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt vào tháng tới với xác suất là 68,8%. Tỷ lệ này đã tăng trong những ngày gần đây sau một loạt tuyên bố từ các quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Ngày 30/5, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Tom Barkin tuyên bố không “từ bỏ” dự báo lãi suất của mình. Ông Barkin nói rằng ông kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung tại Fed.

Chuyên gia Brian Price, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư tại Commonwealth Financial Network, nhận định với đài CNBC: “Fed vẫn là trọng tâm chính của tất cả các nhà đầu tư. Đang có một cuộc tranh luận về những quyết định sắp tới của Fed, đó là liệu họ có định tăng lãi suất thêm một hoặc hai lần nữa, hay giữ nguyên mức lãi suất hiện tại và chờ xem dữ liệu lạm phát  sẽ như thế nào trong vài tháng tới”.

Trong ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón báo cáo việc làm tổng thể tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Các con số trong báo cáo này sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá nền kinh tế trụ vững như thế nào khi lãi suất cao khiến doanh nghiệp ngày càng khó vay tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần