Lo Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Dow Jone “bay” hơn 250 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong ngày 19/1 khi nhà đầu tư ngày càng lo sợ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 252,40 điểm (tương đương 0,76%) xuống 33.044,56 điểm, ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp và xóa sạch thành quả sau đợt phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm. Chỉ số này hiện giảm 0,31% tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ 0,76% xuống còn 3.898,85 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.96% về mức 10.852,27 điểm. Cả 2 chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng từ đầu năm 2023 đến nay.

Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều hướng đến tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần. Chỉ số Dow Jones giảm 3.67% và trên đà chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất hơn 2% từ đầu tuần đến nay.

Ông Christopher Harvey - Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo Securities, nhận định: “Các yếu tố thúc đẩy đợt phục hồi mạnh mẽ của thị trường từ đầu năm 2023 dường như đã chạm tới biên độ trong ngắn hạn. Nhiều khả năng thị trường Phố Wall sẽ đi ngang hoặc đi xuống trong tương lai gần”. 

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 19/1 sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 14/1 là 190.000, giảm 15.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với mức 215.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones khảo sát.

Số liệu trên cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn hoạt động mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất tăng cao liên tục và nền kinh tế giảm tốc, đồng thời làm gia tăng lo ngại Fed sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt tiền tệ để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%.

“Bất chấp những đợt sa thải của nhóm đại gia công nghệ sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động vẫn rất nóng”, chuyên gia thị trường cấp cao Ed Moya tại Oanda, đánh giá. “Thị trường lao động cần suy yếu để Fed cảm thấy sẵn sàng ngừng tăng lãi suất”.

Giới đầu tư đang đánh giá những dữ liệu kinh tế khác gần đây và nhận định của các quan chức Fed để đánh giá chiều hướng của lãi suất.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt, song tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng JPMorgan Chase, vẫn nhận định rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ vượt mốc 5%.

“Tôi cho rằng lãi suất có thể sẽ cao hơn 5% bởi nền tảng của lạm phát vẫn rất vững chắc và không sớm quay về ngưỡng mục tiêu của Fed”, ông Dimon trả lời đài CNBC khi đang tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Lãi suất quỹ liên bang hiện ở khoảng 4,25-4,5%.

Cũng đưa ra quan điểm tương tự, bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed, hôm 19/1 cho rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao cho dù lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống.

“Kể cả sau khi suy giảm những tháng gần đây, lạm phát vẫn còn cao. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần phải hạn chế hoạt động kinh tế trong một thời gian để đảm bảo rằng lạm phát quay về mục tiêu 2% một cách bền vững”, bà Brainard nói.

Cổ phiếu Netflix cũng kết phiên giảm hơn 3% trước thềm công bố tình hình kinh doanh quý IV/2022, nhưng đã phục hồi lại sau giờ giao dịch, nhờ báo cáo về lượng người đăng ký mới.

Các nhà phân tích dự đoán thu nhập hàng năm từ các công ty thuộc S&P 500 sẽ giảm 2,8% trong quý IV so với mức giảm 1,6% vào đầu năm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần