Lo ngại Nga - NATO đối đầu trực tiếp vì nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 25/8 cho biết, đường dây truyền tải điện cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở miền Nam Ukraine, hiện do lực lượng Nga kiểm soát, đã hoạt động trở lại sau khi bị ngắt kết nối vào đầu ngày.

Binh lính Nga tuần tra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở thành phố Energodar của Ukraine. Ảnh: Reuters
Binh lính Nga tuần tra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở thành phố Energodar của Ukraine. Ảnh: Reuters

Trước đó, công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine thông báo, 2 lò phản ứng đang hoạt động còn lại tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã ngắt kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia trong ngày 25/8 do hỏa hoạn làm hư hại các đường dây điện trên cao.

Theo chính quyền địa phương do Nga chỉ định, nhà máy Zaporozhye đã phải sử dụng nguồn điện thay thế để duy trì hoạt động. Nguyên nhân khiến nhà máy mất điện được cho là do đám cháy rừng ở khu vực lân cận, là hậu quả từ các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye của Ukraine là một trong số nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã bị pháo kích liên tục trong những tuần gần đây. Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau về các vụ pháo kích. Nhà máy nằm dưới sự kiểm soát của binh lính Nga từ tháng 3 năm nay, song các kỹ thuật viên của Ukraine tại công ty Energoatom vẫn tiếp tục phụ trách việc vận hành nhà máy.

Lần gần đây nhất nhà máy Zaporozhye phải dừng hoạt động là vào năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, dẫn tới cắt điện luân phiên ở Ukraine. Việc mất đi nguồn điện này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ukraine, vốn đã chịu tổn thất đáng kể do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa và các nhà máy giảm sản xuất.

Trong cuộc họp bất thường ngày 25/8, Hội đồng Duma Quốc gia Nga đã thông qua tuyên bố, lên án các vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye của lực lượng vũ trang Ukraine và kêu gọi Liên Hợp quốc đánh giá các hành động của Kiev.

Theo quan điểm của Hội đồng Duma, các cuộc tấn công "thực chất là khủng bố" nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế, "đòi hỏi trách nhiệm của các quốc gia liên quan và các chính trị gia ra lệnh phạm tội và những người thực hiện chúng".

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm, bày tỏ quan ngại liên quan tới nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi Moscow trả lại quyền kiểm soát hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cho Ukraine, và cho phép IAEA được tiếp cận cơ sở này.

Trong khi Nga và Ukraine cáo buộc qua lại lẫn nhau về các hành vi phá hoại có chủ đích vào nhà máy Zaporozhye thì thế giới đang lo ngại về một cuộc khủng hoảng môi trường cũng như nguy cơ một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

"Không phải nói quá khi cho rằng một tên lửa đi lạc hay một cuộc pháo kích kéo dài vào các khu vực đang vận hành tại nhà máy điện trên đều có thể là một thảm họa" - Lewis Blackbur, chuyên gia nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm của Đại học Sheffield nhận định.

Trên thực tế, bất kỳ vụ nổ nào tại khu vực nhạy cảm của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm ở bờ sông Dnipro, cách bán đảo Crimea hơn 160km, đều có thể khiến chất thải phóng xạ phát tán trong một khu vực rộng lớn của châu Âu.

"Bất kỳ sự phá hủy có chủ đích nào gây ra rò rỉ phóng xạ ở lò phản ứng hạt nhân tại Ukraine đều sẽ đồng nghĩa với việc vi phạm Điều 5 của Hiến chương NATO" - một nghị sĩ Anh nhận định khi muốn ám chỉ đến nguyên tắc "phòng thủ tập thể", cho phép các thành viên của liên minh triển khai lực lượng quân sự để bảo vệ lẫn nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần