Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, hiện việc tiên lượng, dự báo nhu cầu sử dụng vaccine phòng bệnh não mô cầu là khó khăn, dẫn tới việc dự trù vaccine biến động hàng năm. Điều này gây nên tình trạng việc cung ứng vaccine của các DN với bệnh não mô cầu không ổn định, có lúc thừa nhiều, nhưng đôi khi lại không đủ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêm chủng.
Thống kê cho thấy, hiện tại, có 2 vaccine phòng não mô cầu được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm vaccine VA-MENGOC-BC (phòng bệnh não mô cầu 2 tuýp B+C) của Cuba sản xuất và vaccine Polysaccharide Meningococcal A+C (Phòng bệnh não mô cầu 2 tuýp A+C) do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, chưa có lô vaccine Polysaccharide Meningococcal A+C nào được nhập khẩu vào Việt Nam do hiện nay, nhà sản xuất đã ngừng sản xuất vaccine này trên toàn cầu để chuyển sang sản xuất vaccine Menactra® phòng bệnh do não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 (có bổ sung thêm 2 tuýp Y và W-135). Theo báo cáo của nhà sản xuất, tính đến thời điểm hiện tại, vaccine Polysaccharide Meningococcal A+C đã không còn tồn hàng trên phạm vi toàn cầu.Do vậy để đảm bảo cung ứng vaccine cho nhu cầu tiêm chủng, theo đại diện Cục Quản lý Dược, cơ quan này đã đề nghị Cục Y tế dự phòng cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình dịch tễ học (số ca, tuýp mắc phải) của bệnh do não mô cầu tại Việt Nam trong thời gian gần đây và dự kiến nhu cầu sử dụng vaccine phòng bệnh theo từng quý năm 2018 và 2019 để các cơ sở nhập khẩu có thể chủ động đặt hàng sớm với nhà sản xuất, nhà cung ứng từ nước ngoài. Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời kiểm định vaccine phòng não mô cầu ngay khi nhận được mẫu vaccine của cơ sở nhập khẩu, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian kiểm nghiệm để nhanh chóng đưa vaccine vào sử dụng.
Não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25 - 35%). Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động. Cao điểm mùa dịch thường từ tháng 6 - 8 bởi đây là lúc thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho các loại virus gây bệnh phát triển. |