Lo ngại về cuộc chiến giá dầu do nội bộ OPEC lục đục

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng có thể biến động mạnh trong những tháng tới, nếu các nước Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thống nhất được chính sách sản lượng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu được dự báo thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, cuộc họp của OPEC cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+ sẽ phải kéo dài sang ngày thứ ba (5/7), thay vì chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày (1/7).
Nội bộ OPEC bất hòa về chính sách sản lượng
Ngày 4/7, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã chỉ trích thỏa thuận sản lượng dầu mỏ hiện nay của OPEC+ là "không công bằng", nhấn mạnh rằng nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận chỉ khi hạn ngạch khai thác dầu của họ được cân nhắc lại.

Nguy cơ giá dầu sẽ biến động mạnh nếu OPEC bất đồng trong chính sách sản lượng. Ảnh: Reuters

Việc UAE thúc đẩy nâng mức cơ sở để tính toán cắt giảm sản lượng của nước này, được cho là đã khiến cuộc họp kéo dài sang ngày thứ hai (2/7) của OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác từ tháng 8 tới. Mức cơ sở cao hơn đồng nghĩa mức cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn.
Theo các nhà phân tích từ ngân hàng Deutsche Bank, rào cản trong các cuộc thảo luận là do UAE đưa ra phản đối vào phút chót đối với thỏa thuận mà Nga và Ả Rập Saudi đạt được trước đó.
Cuộc đối đầu giữa UAE và các quốc gia còn lại trong khối có thể khiến OPEC+ không tăng sản lượng dầu trong những tháng cuối cùng năm nay. Điều này sẽ gây căng thẳng cho nguồn cung trên thị trường dầu mỏ và có nguy cơ lạm phát tăng giá.
Giá dầu thế giới vừa ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp, nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nhanh chóng khởi sắc trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động đi lại của người dân gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá dầu đã leo dốc hơn 45%, với WTI vượt ngưỡng 75 USD/thùng, từ mức khoảng 48,5 USD/thùng. Còn, giá dầu Brent hiện cũng leo lên tới 76 USD/thùng, mức cao nhất kể tháng 10/2018.
OPEC+ đối mặt nguy cơ tan rã
Nếu liên minh OPEC+ không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng và giữ nguyên nguồn cung như hiện nay, giá "vàng đen" sẽ chịu những tác động nghiêm trọng theo cả hai hướng.
Tuy nhiên, cũng có nguy cơ những bất đồng hiện tại sẽ khiến OPEC+ sụp đổ hoàn toàn, dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia tự thực hiện chính sách riêng và bơm quá nhiều dầu ra thị trường.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy nhấn mạnh, nếu có sự rạn nứt về quan điểm của các bên, thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá sốc như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu.
Trong nhiều năm, UAE - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC trong năm 2020, và Ả Rập Saudi - nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới kiêm vai trò lãnh đạo thực tế của khối, là đối tác thân thiết. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Riyadh và Abu Dhabi gần đây đã trở nên căng thẳng hơn và các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại của OPEC.
Trên thực tế, UAE được cho là đã đưa ra ý tưởng rời bỏ OPEC+ vào cuối năm 2020, để bơm thêm dầu và tận dụng khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã thực hiện để mở rộng công suất. Kế hoạch cắt giảm sản lượng của UAE được thực hiện vào năm 2018 khi công suất tối đa đạt 3,2 triệu thùng/ngày. Sau đó, các dự án mở rộng khai thác khiến sản lượng dầu tăng và nước này muốn thiết lập lại mức cơ bản lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy của Na Uy) nhận xét: "Cuộc thương lượng sẽ khó khăn do OPEC+ biết rằng nếu UAE được phép khai thác theo hạn ngạch riêng thì các thành viên khác cũng có thể phản đối".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần