Lo ngại về lực cầu, giá dầu sắp chứng kiến tuần lao dốc mạnh nhất từ tháng 6

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 4/9 song đang trên đà chứng kiến tuần giảm lớn nhất trong hơn 2 tháng do nhu cầu phục hồi còn chậm.

Giá dầu Brent duy trì quanh ngưỡng 44 USD/thùng trong phiên cuối tuần và sắp thiết lập mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 6 trước những lo ngại về sự phục hồi của nhu cầu năng lượng còn quá yếu khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn

Nhu cầu xăng của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống 8,78 triệu thùng/ngày từ 9,16 triệu thùng/ngày một tuần trước đó, theo dữ liệu được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 2/9. Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy tồn kho sản phẩm chưng cất tại Singapore - trung tâm dầu mỏ châu Á, đã tăng trên mức cao nhất trong 9 năm.

 Giá dầu đang trên đà chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 5 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 44,12 USD/thùng, sắp ghi nhận mức giảm 2,3% trong tuần này. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 3 xu Mỹ, xuống còn 41,34 USD/thùng, đang trên đà chứng kiến mức giảm hàng tuần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua.

Theo dữ liệu trên Refinitiv Eikon, số lượng dầu xuất khẩu đến Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng chậm lại trong tháng 9 này sau 5 tháng tăng mạnh liên tiếp.

Trong phiên giao dịch này, các thương nhân đang chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ - yếu tố có thể tác động đến triển vọng phục hồi của nhu cầu đối với dầu mỏ, sẽ được công bố trong ngày 4/9 (giờ Mỹ). Tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 8 dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 9,8% từ mức 10,2% của tháng trước đó.

Nhà môi giới Stephen Brennock của công ty PVM cho rằng các nhà giao dịch dầu mỏ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến triển vọng phục hồi của nhu cầu năng lượng. "Dữ liệu từ bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sắp được công bố không khả quan có thể khiến giá dầu tiếp tục đi xuống trong thời gian tới” – chuyên gia Brennock cho hay.

Một loạt số liệu trái chiều của kinh tế Mỹ không giúp cải thiện tâm lý của giới đầu tư trên thị trường năng lượng. 

Theo báo cáo công bố ngày 3/9 của Viện Quản lý Nguồn cung, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 8/2020 đã giảm từ mức 58,1% trong tháng 7, xuống còn 56,9%, phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ đã giảm xuống còn 881.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 29/8, thấp hơn con số 1,01 triệu đơn ghi nhận trong tuần trước đó.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ thuê ít nhân công hơn dự kiến trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8, cũng làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế đang bị tụt hậu.

Về nguồn cung, theo số liệu của EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 28/8 đã giảm 9,4 triệu thùng, lớn hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của S&P Global Platts.

Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ trong tuần qua đứng ở mức trung bình 9,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1,1 triệu thùng so với tuần trước đó.

Các nhà phân tích của FGE nhận định rằng nếu số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục tăng trên thế giới khiến các nước phải kéo dài các biện pháp hạn chế sẽ làm lu mờ kỳ vọng sớm giảm lượng tồn kho dầu kỷ lục trong thời gian ngắn hạn. Theo FGE, đà phục hồi của giá “vàng đen” trong thời gian tới đang chịu áp lực từ việc các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu vẫn hoạt động với công suất thấp.

Giá dầu đã tăng mạnh trong những tháng gần đây sau khi chạm  đáy trong 21 năm, xuống còn dưới 16 USD/thùng hồi tháng 4 do chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Nỗ lực cắt giảm kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 5 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi nhóm OPEC+, đã hỗ trợ tích cực cho đà đi lên của giá dầu.

Tuy nhiên, OPEC+ đã bắt đầu nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, nâng sản lượng lên gần 1 triệu thùng/ngày, theo khảo sát của Reuters.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần