Lo nguồn cung gián đoạn, IEA hành động khẩn để hạ nhiệt giá dầu

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa đồng ý tung ra 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của các nước nhằm cân bằng thị trường vốn đang chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine.

Theo Reuters, quyết định trên được Mỹ và 30 quốc gia thành viên nhất trí thông qua trong cuộc họp của IEA hôm 2/3 (giờ Hà Nội).

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nước này sẽ giải phóng 30 triệu thùng trong tổng số 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược mà IEA thống nhất, số còn lại của các quốc gia thành viên khác.

IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược. Ảnh: AFP
IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược. Ảnh: AFP

"Chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi công cụ có sẵn để hạn chế sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine," Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại cuộc họp khẩn của IEA, đề cập đến Vladimir Putin của Nga.

Theo IEA, số lượng 60 triệu thùng dầu được bổ sung ra thị trường sắp tới  chiếm 4% trong tổng số 1,5 tỷ thùng dự trữ khẩn cấp do các thành viên IEA nắm giữ.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử 47 năm, IEA thống nhất mở kho dự trữ dầu thô chiến lược, sau lần đầu tiên do cuộc nội chiến Libya vào năm 2011.

Bất chấp các nước thành viên IEA đồng ý sử dụng 60 triệu thùng dầu dự trữ, giá dầu hôm 2/3 vẫn tăng vọt trước lo ngại nguồn cung dầu thắt chặt hơn nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.

Giá dầu Brent giao tháng 5/2022 tăng 5,83% lên tới 111,09 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trong khi đó giá dầu WTI tương lai cũng cộng 5,68%, giao dịch ở mức 109,28 USD/thùng.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới khi xuất khẩu khoảng 4-5 triệu thùng/ngày.

Tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu có thể trầm trọng hơn nếu như chính phủ các nước từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga và phải đi tìm các nguồn cung dầu khác thay thế. Hiện Canada là quốc gia duy nhất thông báo về việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Trước đó, hồi tháng 11/2021, Mỹ cũng đã công bố giải phóng 50 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, một quyết định được thực hiện cùng với các quốc gia tiêu thụ dầu bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Cho đến nay, chỉ có Mỹ giải phóng khối lượng lớn lượng dầu dự trữ, với mức dầu dự trữ chiến lược của nước này giảm xuống chỉ còn hơn 580 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng là “rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự chú ý”, sau quyết định của các thành viên bao gồm Mỹ và Nhật Bản về việc cấp 60 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ khẩn cấp.

Điều này chưa đủ lực để kiềm chế giá dầu tăng vọt, vốn đã lập mức cao nhất trong 7 năm khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tiếp theo.

Mỹ và các nước đồng minh gần đây liên tiếp công bố nhiều biện pháp trừng phạt về các hoạt động tài chính và năng lượng của Nga.

Giới phân tích nhận định, dù những lệnh trừng phạt này có thể không nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Tuy nhiên, về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung bởi các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển, thanh toán các hợp đồng.

Giá dầu WTI và dầu Brent đều tăng hơn 40% tính đến thời điểm hiện tại do nhu cầu phục hồi trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEP+ sẽ nhóm họp vào hôm nay để thảo luận về chính sách sản lượng, nơi tổ chức này dự kiến sẽ bám sát kế hoạch tăng nhẹ sản lượng  bất chấp nguồn cung đang thiếu hụt nghiêm trọng.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần