Lo sợ FED mạnh tay kiềm chế lạm phát, chứng khoán Mỹ biến động mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong ngày 10/1 khi nhà đầu tư lo ngại về chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED).

Giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc hơn vào phiên buổi chiều ngày 10/1 khi các cổ phiếu công nghệ lớn đảo chiều tăng, qua đó giúp Nasdaq Composite chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones lại giảm điểm.

Chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều trong phiên ngày 10/1 do lo ngại FED mạnh tay kiềm chế lạm phát. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều trong phiên ngày 10/1 do lo ngại FED mạnh tay kiềm chế lạm phát. Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,05% lên 14.942,83 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ 0,14% xuống còn 4.670,29 điểm. Chỉ số Dow Jones thu hẹp đà lao dốc ở đầu phiên khi giảm 162,79 điểm, tương đương 0,45%, còn 36.068,87 điểm. Chỉ số này đã giảm hơn 550 điểm so với đầu phiên.

Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn chịu áp lực bán tháo ở đầu phiên, song sau đó quay đầu đi lên vào buổi chiều. Nvidia và Tesla đóng cửa phiên tăng lần lượt 0,56% và 3%, Apple cũng đóng cửa trong sắc xanh.

Thị trường chứng khoán Mỹ có khởi đầu năm 2022 không mấy thuận lợi trong bối cảnh lãi suất tăng vọt. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc 2021 ở 1,51% nhưng trong phiên 10/1 có lúc vượt mức 1,8%, sau đó hạ nhiệt ở cuối phiên.

Ngân hàng Goldman Sachs hôm 9/1 dự báo FED sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2022. Sau cuộc họp chính sách ngày 14-15/12/2021, các quan chức FED lên kế hoạch thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay.  Dự báo của Goldman Sachs cho thấy sàn Phố Wall đang tin chắc rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ mạnh tay hành động để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, thị trường dường như đang đến gần các ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Ở đáy của phiên 10/1, Nasdaq giảm hơn 9% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, tức là rất gần với vùng điều chỉnh. Nhà chiến lược thị trường của JPMorgan Chase  Marko Kolanovic hôm 10/1 đã khuyến nghị nhà đầu tư mua bắt đáy cổ phiếu.

Bà Shannon Saccocia - Giám đốc đầu tư của công ty đầu tư tài sản Boston Private Wealth nhận định rằng nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chịu đựng được nếu lãi suất tiếp tục tăng. "Trong phiên hôm nay, tôi sẽ không lao vào bắt đáy những cổ phiếu tăng trưởng định giá cao. Tuy nhiên, xét về yếu tố vĩ mô thì tôi tin rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng trong vài quý tới. Vì vậy sẽ có khá nhiều yếu tố tích cực để bù đắp tác động của môi trường lãi suất", bà Saccocia nói.

CEO của JPMorgan Jamie Dimon ngày 10/1 cũng nêu quan điểm lạc quan khi nói rằng ông kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay mặc dù dự kiến FED có thể  nâng lãi suất hơn 4 lần trong năm nay.

Sau khi giảm sâu trong tuần trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch biến động trước khi diễn ra phiên điều trần (11/1) của Chủ tịch FED Jerome Powell, vốn được cho là sẽ tập trung nhiều vào vấn đề lạm phát.

Bên cạnh phiên điều trần của Chủ tịch Fed Powell, dự kiến trong tuần này giới đầu tư sẽ đón nhận các báo cáo về giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Mỹ cũng như thu nhập của ngân hàng JPMorgan Chase và các ngân hàng khác.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến công bố vào ngày 12/1 và được kỳ vọng tăng 7.1%, theo Dow Jones. Chỉ số giá sản xuất PPI dự kiến công bố vào ngày 13/1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần