Lộ trình phát triển ga Liên vận quốc tế Kép

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ ngày 20/2/2023, ga Kép chính thức trở thành ga liên vận quốc tế thứ 7 của đường sắt Việt Nam cùng các ga: Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng, Đồng Đăng, Giáp Bát và Sóng Thần. Đường sắt đã bắt tay xây dựng lộ trình phát triển ga liên vận quốc tế Kép.

 Từ ngày 20/2/2023 Ga Kép tham gia liên vận đường sắt quốc tế. Ảnh TA
Từ ngày 20/2/2023 Ga Kép tham gia liên vận đường sắt quốc tế. Ảnh TA

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Quyết định số 42/QĐ-BGTVT chấp thuận cho ga Kép của Bắc Giang thí điểm trở thành ga liên vận quốc tế (LVQT) để phát triển thị trường xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Ga Kép được nâng hạng trở thành ga liên vận quốc tế sẽ giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến Đồng Đăng, Yên Viên.

"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các bên liên quan đã và đang cùng nhau xây dựng các lộ trình cụ thể để tối ưu nguồn vốn khai thác LVQT bằng đường sắt năm 2023 và những năm tiếp theo" - Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.

Giải quyết bài toán cung - cầu

Theo điều tra của phóng viên, từ ngày 8/1/2023, phía Trung Quốc tiến hành mở cửa biên giới, hạ cấp độ phòng dịch, khôi phục lại trong hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh. Nhu cầu hàng xuất nhập khẩu bằng đường sắt tại các cửa khẩu lên đến 200 ngàn tấn/tháng, nhưng năng lực 2 ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, Yên Viên chỉ tối đa 80 ngàn tấn/tháng.

Hàng ngày có tới 500 - 600 toa xe hàng hóa phải nằm lại dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam. Điều này khiến cho rất nhiều chủ hàng cả Việt Nam lẫn Trung Quốc có ý kiến với các bên chức năng liên quan.

Đại diện đường sắt và các bên liên quan họp bàn và thống nhất lộ trình triển khai quyết định của Bộ GTVT về việc nâng cấp ga Kép trở thành ga LVQT. Ảnh TA
Đại diện đường sắt và các bên liên quan họp bàn và thống nhất lộ trình triển khai quyết định của Bộ GTVT về việc nâng cấp ga Kép trở thành ga LVQT. Ảnh TA

Trong khi đó, chỉ tính riêng các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang, có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 12.000 tấn - 15.000 tấn/tháng. Nhu cầu tiếp tục sẽ tăng lên khi công suất của các nhà máy tại những khu công nghiệp của tỉnh ngày càng tăng.

Chính vì thế, cách đây 2 năm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bắt tay xây dựng phương án, lấy ý kiến địa phương, các bộ, ngành liên quan để nâng cấp ga Kép trở thành ga LVQT thứ 7. Một tư duy chiến lược được đánh giá là có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Sau một thời gian kiếm tra, rà soát và đánh giá nhu cầu xuất nhập khẩu của cả Việt Nam lẫn phía Trung Quốc, rốt cuộc Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận. Việc ga Kép được Bộ GTVT đồng ý trở thành ga LVQT sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và vùng phụ cận, giảm thời gian chờ đợi, tăng năng lực thông quan.

Ga LVQT Kép sẽ giúp các công ty Việt Nam hạ thấp chi phí logistics, tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics, do Ga Kép nằm trên khu vực ngã ba các tuyến đường sắt Yên Viên - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Kép - Lưu Xá có cùng khổ đường 1.435mm.

Hiện nay ga Kép được đường sắt xếp hạng ga cấp 2, nằm tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tại Km 68+700 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, là điểm bắt đầu của 2 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, Cái Lân và tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá. Khu ga Kép có diện tích 102.149m2, bãi hóa trường phía Nam ga có diện tích trên 27.000m2 đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ga Kép có 9 đường, trong đó có 4 đường đón gửi tàu và 5 đường dành riêng cho công tác xếp dỡ, năng lực xếp dỡ trên 120 toa xe/ngày được đánh giá đủ tiêu chuẩn tham gia LVQT bằng đường sắt; Có đủ sơ sở hạ tầng để đặt các trạm hải quan, công an...

Lộ trình triển khai

Theo đó, Bộ GTVT cho phép ga Kép được tạm thời khai thác hoạt động LVQT. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác hoạt động LVQT tại ga Kép; phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức hoạt động LVQT theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình khai thác hoạt động LVQT.

Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát hoạt động vận tải LVQT tại ga Kép bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật và thông lệ, báo cáo Bộ GTVT kịp thời những vướng mắc phát sinh. Hàng năm tổ chức đánh giá hoạt động LVQT tại ga Kép, báo cáo Bộ GTVT vào ngày 15/1 của năm kế tiếp.

Nhu cầu LVQT bằng đường sắt đang tăng cao. Ảnh TA
Nhu cầu LVQT bằng đường sắt đang tăng cao. Ảnh TA

Đầu tháng 2/2023, Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh đã dẫn đầu đoàn công tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Bắc Ninh, Cục Đường sắt Việt Nam để triển khai quyết định của Bộ GTVT. Các bên đã kiểm tra những điều kiện thống nhất ký biên bản cho phép ga Kép khai thác hoạt động LVQT và dự kiến khai trương vào ngày 20/2/2023. 

Lộ trình khai thác LVQT của ga Kép được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1, tổ chức lập tàu liên vận quốc tế bình quân 1,5 - 2 đôi/ngày tuyến Kép - Đồng Đăng - Bằng Tường. Tổ chức lập, giải thể, tiếp chuyển tàu nội địa Bắc Nam 1 đôi/ngày. Dự kiến năng lực xếp dỡ bình quân/ngày 80 - 100 toa xe/container. Nguồn hàng khai thác gồm: Hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng; gỗ công nghiệp, quặng thô.

Giai đoạn 2 đường sắt Việt Nam sẽ xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.

Bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía Nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2 - 2,5 đôi tàu/ngày.

Tại buổi làm việc, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phát biểu cam kết: “UBND tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ ngành đường sắt mở rộng hành lang an toàn giao thông đường quốc lộ nối vào bãi hàng ga Kép, để phương tiện ô tô vận chuyển hàng hóa qua lại; tạo trục đường kết nối hiện hữu từ bãi hàng ga Kép đến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được an toàn, thông thoáng; thông báo cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về hoạt động của LVQT tại ga Kép. Bổ sung quy hoạch ga Kép vào điểm ưu tiên phát triển hạ tầng của địa phương”.

Được biết tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo UBND huyện Lạng Giang trong quy hoạch vùng, cần khẩn trương bố trí quỹ đất cho logistics liền kề, kết nối với ga. Riêng vấn đề logistics đưa vào quy hoạch tỉnh Bắc Giang sẽ giao cho 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, sớm triển khai thực hiện.

Sở Công Thương, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã chủ động thông báo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện những thủ tục xuất nhập tại ga cho doanh nghiệp trong địa phương. Công an tỉnh lên phương án bảo đảm an toàn giao thông; Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp có kế hoạch hỗ trợ ga Kép hoạt động trong quá trình xuất, nhập khẩu. 

Được biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thông báo rộng rãi cho các địa phương trong cả nước trong đó có những tỉnh, thành có nhiều đầu mối xuất nhập khẩu như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh thông tin này để tạo điều kiện thông quan nhanh chóng. Đường sắt sẽ nhanh chóng nâng cấp hệ thống kho, bãi cũng như đầu máy, toa xe để ga LVQT Kép có thể đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần