Loại bỏ “giấy phép con”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đảm bảo kiểm soát nguồn lây dịch Covid-19 nhưng không "ngăn sông cấm chợ" bằng "giấy phép con", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực trong vận chuyển hàng hóa phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh.

Quan điểm này liên tục được nhấn mạnh nhưng thực tế trong thời gian qua, một số địa phương vẫn kiểm soát “quá tay”, thậm chí có những biện pháp cứng nhắc đến mức cực đoan gây phản ứng trong dư luận.

Tài xế làm thủ tục đưa hàng hóa vào Cân Thơ không rời khỏi cabin hôm 24/8. Ảnh: Hồng Duy
Khi tốc độ dịch lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm tăng mạnh, việc mỗi địa phương đưa ra các giải pháp kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn là một phản ứng cần thiết. Nhưng cùng với những giải pháp linh hoạt, phù hợp, cũng có không ít quy định gây ra ách tắc, làm phát sinh “giấy phép con”, đặc biệt là với việc lưu thông hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, thời gian qua, liên tiếp các hiệp hội ngành nghề, DN lên tiếng về việc hàng hóa “luồng xanh” bị ách tắc, không lưu thông được trong tình hình cấp bách. Cả người đứng đầu Bộ GTVT, NN&PTNT đã chỉ rõ những địa phương đang có quy định riêng cứng nhắc và đề nghị ngừng ngay việc thêm “giấy phép con” trong lưu thông hàng hóa... Để qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện có mã QR hoặc chưa có mã QR nhưng đã đáp ứng đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định nhanh chóng lưu thông.

Rất mừng là sau hàng loạt văn bản, đề nghị, nhiều nơi đã bắt đầu bãi bỏ, tháo gỡ những quy định gây ách tắc hàng hóa để phục vụ người dân. Điển hình là ngày 28/8, TP Cần Thơ đã bãi bỏ quy định xe chở hàng vào TP phải đăng ký trước, bớt đi một loại "giấy phép con" đã gây khó khăn cho người dân, DN. Đồng thời, TP cũng phân luồng giao thông thuận lợi đối với các phương tiện không vào TP; tổ chức nhiều điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa để giảm áp lực ùn tắc giao thông cho các điểm tập kết cửa ngõ. Sự điều chỉnh quy định của TP Cần Thơ diễn ra sau tình trạng ô tô vận tải ùn ứ chờ làm thủ tục diễn ra nhiều ngày qua tại các điểm tập kết, khiến tài xế và DN bức xúc.

Không chỉ tại đây, câu chuyện vướng mắc trong lưu thông hàng hóa giữa các địa bàn trong thời điểm dịch bùng phát thi thoảng lại “nóng”. Bởi cùng với những quy định chung, nhiều địa phương đã đặt thêm các quy định riêng, nơi thì yêu cầu đổi tài xế; sang hàng đến test nhanh tại chỗ, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực hoặc yêu cầu riêng về xét nghiệm RT-PCR… Việc phát sinh thủ tục không chỉ là tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất, còn gây ách tắc tại các cửa ngõ, chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.

Trong khi dịch còn đang phức tạp, việc không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa là rất cần thiết. Hơn nữa, việc mỗi địa phương tự ý đưa ra những quyết định của riêng mình đang khiến DN, người dân khó áp dụng. Như có ý kiến đã nhận định, cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không vì dịch bệnh mà ngăn cách. Rất đáng mừng, một số địa phương đã nhanh chóng điều chỉnh quy định phòng dịch sau những quyết định bị phản ứng. Qua đó mới cho thấy, việc lựa chọn phương án phòng dịch thế nào rất cần sự linh hoạt, hiệu quả, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội, tránh cho được cả 2 khuynh hướng là chủ quan và hoang mang, mất bình tĩnh. Trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, mong muốn kiểm soát được triệt để nhất việc đi lại, cách ly để phòng ngừa là đương nhiên nhưng không vì cứng nhắc quá mà đưa ra thêm những quy định “giấy phép con” mỗi nơi mỗi kiểu, gây ách tắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần