[Loạn giá thuốc, lỗi tại ai?] Bài 2: Ai quản giá thuốc?

Lệ Giang - Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạn giá, tăng giá thuốc… là vấn đề được dư luận quan tâm, đề cập đến từ nhiều năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, quản lý giá thuốc hiện nay đang là vấn đề còn bỏ ngỏ…

>>> [Loạn giá thuốc, lỗi tại ai?] Bài 1: Mỗi nơi, một giá

Quản lý giá thuốc bảo đảm công khai, minh bạch

Quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường, đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, người mua miễn mặc cả, trả giá. Vì vậy, người bệnh chỉ biết trông chờ vào sự quản lý, giám sát chặt chẽ giá thuốc từ cơ quan chức năng thông qua việc triển khai hiệu quả các quy định pháp lý.

Đề cập đến vấn đề giá thuốc tại BV, Trưởng khoa Dược BV Bạch Mai Nguyễn Quỳnh Hoa cho hay, nguyên tắc thuốc bán tại nhà thuốc của BV phải qua đấu thầu (rộng rãi, công khai, giá cạnh tranh). Việc đấu thầu có thể thực hiện ở BV Bạch Mai hoặc các BV tuyến tỉnh khác. Thuốc trúng đấu thầu phải đảm bảo giá cạnh tranh nhất. Do đó, có những thuốc tại BV Bạch Mai sẽ rẻ hơn so với nhà thuốc khác vì giá nhập vào thấp hơn, đồng thời, thặng số bị khống chế bởi các nghị định. Trong khi đó, những nhà thuốc bên ngoài không bị khống chế, đa số sẽ bán nâng lên 10-20% mới đảm bảo hoạt động của họ (tiền thuê cửa hàng, nhân viên…). Tại quầy thuốc của BV Bạch Mai, có 1.252 loại thuốc đã được niêm yết với giá công khai.

Người dân xếp hàng mua thuốc tại BV Bạch Mai.
Người dân xếp hàng mua thuốc tại BV Bạch Mai.

“Thuốc được kiểm soát giá, không có loại thuốc nào trong BV Bạch Mai được phép bán đắt hơn so với bên ngoài. Chúng tôi có cách khống chế giá theo quy định của Bộ Y tế. Thuốc vào BV được bán ở các nhà thuốc, phải được kiểm soát từ nguồn cung qua nhiều khâu chặt chẽ. Do đó, chất lượng và giá thành thuốc được đảm bảo” - Giám đốc BV Bạch Mai PGS. TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

 

Đến 2025, 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá khám chữa bệnh, giá đấu thầu, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo... đều sẽ được công khai trên Cổng Công khai giá dịch vụ của ngành y tế. Đây là mục tiêu Chương trình chuyển đổi số Y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, TP có 9.728 cơ sở hành nghề dược. Trong đó, 1.399 công ty; 4.978 nhà thuốc; 3.236 quầy thuốc; 115 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác. Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường kiểm soát giá thuốc, thanh kiểm tra, giám sát, quyết liệt xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đã kiểm tra, hậu kiểm 305 cơ sở hành nghề y, dược. Trong đó, kiểm tra, hậu kiểm 227 cơ sở hành nghề dược (thu hồi 132 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chuyển phòng y tế xử lý 95 cơ sở bán lẻ).

Thời gian tới, cơ quan chức năng của Hà Nội tiếp tục thanh kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình dịch, bệnh để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch, bệnh để tăng giá bán thuốc bất hợp lý.

Khó kiểm soát

Theo Bộ Y tế, Cổng Công khai giá dịch vụ của ngành y tế tại địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn đã được mở năm 2020 nhằm minh bạch thông tin giá thuốc, chi phí dịch vụ khám chữa bệnh và giá thiết bị y tế, góp phần ngăn chặn vấn nạn "thổi giá". Thế nhưng, thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng mỗi nơi một giá, giá công khai và thực tế rất khác nhau. Với quá nhiều mức giá thuốc khác nhau, người dân chẳng thể nào biết được giá trị thực của loại thuốc mà họ mua. Nếu niêm yết mà không kiểm soát, chấn chỉnh, để xảy ra "loạn giá" thì mục đích của việc công khai chỉ là hình thức.

Thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, từ năm 2017-2021, Cục đã thành lập 3 đoàn thanh tra, 124 đoàn kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về dược. Trong đó, 127 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Hàng loạt nhà thuốc lớn nhỏ đang hoạt động trên đường Giải Phóng.
Hàng loạt nhà thuốc lớn nhỏ đang hoạt động trên đường Giải Phóng.

Đề cập đến vấn đề xử lý nếu DN và cơ sở bán lẻ kê khai không đúng, chênh lệch so với giá bán thực tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt cho hay, tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng đã quy định chi tiết các hành vi vi phạm và xử lý trong thực hiện quy định về quản lý giá thuốc. Vì vậy, trong trường hợp có phát hiện đơn vị vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử phạt. Nếu phát hiện ngoài thị trường có hiện tượng tăng giá thuốc đột biến và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, hệ thống thanh tra y tế tại Trung ương và địa phương (Thanh tra Bộ Y tế và  Sở y tế) sẽ vào cuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và xử phạt nếu mắc sai phạm.

“Cục Quản lý Dược đề xuất sửa đổi Luật Dược 2016 cần phân loại nhóm thuốc, danh mục thuốc, kê khai giá để tập trung trong quản lý; các trường hợp được miễn kê khai giá. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Dược cần phân công cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý giá thuốc” - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Quản lý Dược Chu Đăng Trung nêu rõ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, thị trường thuốc kiểm soát khó vì có quá nhiều mặt hàng. Chưa kể, việc sử dụng thuốc biệt dược gốc đắt tiền, với những bệnh nhân có điều kiện, họ sẵn sàng chi trả. Tuy nhiên, với những bệnh nhân nghèo, dường như đây là một “cực hình”. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có phản hồi tích cực liên quan đến giá thuốc, người tiêu dùng vẫn là bên chịu thiệt.

Cũng có ý kiến cho rằng, tình trạng trục lợi từ một số mặt hàng thuốc điều trị đặc biệt nhằm tăng giá thuốc khi nguồn cung bị khan hiếm cũng là một “bài toán” khó đối với công tác quản lý giá thuốc hiện nay.

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét một cách nghiêm túc hơn về việc quản lý giá thuốc, cần phải có những quyết sách, cơ chế, quy định rõ ràng, chặt chẽ để bình ổn giá thuốc một cách hợp lý với thuốc nhập khẩu. Nhất là thuốc biệt dược, phải quy định thặng số bán buôn, bán lẻ toàn chặng trên cơ sở giá nhập khẩu về cảng (giá CIF). Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm giá từ nước ngoài, cơ quan quản lý phải có hội đồng xét duyệt, phải tra cứu thông tin thị trường, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam mà Luật Dược 2016 đã quy định.

 

Điều 107 Luật Dược 2016 quy định về các biện pháp quản lý giá thuốc:

  1. Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của Luật đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia; đấu thầu thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập theo quy định của Luật Đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
  2. Đấu thầu hoặc đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với thuốc phục vụ chương trình Mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch, bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích.
  3. Kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và kê khai lại khi thay đổi giá thuốc đã kê khai.
  4. Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
  5. Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh Mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.
  6. Thực hiện hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc có hàm lượng không phổ biến và trường hợp đặc thù khác.
  7. Quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần