Loạt khu "đất vàng" ở Hà Nội bị chủ đầu tư bỏ hoang

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lô đất số 273 Tây Sơn là vị trí "vàng" tại Thủ đô còn sót lại bị bỏ hoang chỉ là một trong nhiều dự án không triển khai, gây lãng phí, mất quỹ quan đô thị.

Khu đất tại số 273 Tây Sơn.
Khu đất tại số 273 Tây Sơn.

Lãng phí…

Theo ghi nhận của phóng viên tại số 273 Tây Sơn, toà nhà 2 tầng sát với mặt đường đang trong tình trạng đổ nát, cây cối mọc um tùm, thời gian dài không được triển khai đã trở thành nơi tập kết rác, xe rác. Ngoài ra phía bên trong còn được tận dụng làm khu vực để xe cho các hàng quán xung quanh. Có thể dễ dàng thấy ngôi nhà trên đã bị dỡ bỏ hết bên trong.

Anh Nguyễn Minh Khang (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) chia sẻ, phố Tây Sơn là 1 tuyến phố lớn, khang trang với nhiều toà nhà cao tầng, chung cư. Nhưng lại có 1 toà nhà 2 tầng bỏ hoang tại vị trí giữa ngã tư giao cắt phố Thái Thịnh và phố Tây sơn.

Dù có vị trí "vàng" nhưng hiện nay khu đất này vẫn quây tôn kín mít.
Dù có vị trí "vàng" nhưng hiện nay khu đất này vẫn quây tôn kín mít.

“Mỗi lần đi chơi bên toà Mipec Tây Sơn về tôi bắt gặp tình trạng vứt rác, vật liệu xây dựng, những đồ dùng như ghế sofa đã hỏng được vứt bừa bãi trên vỉa hè của toà nhà này từ nhiều năm cho đến nay trông rất mất thầm mỹ của tuyến phố này” – anh Khang nói.

Theo tìm hiểu, khu đất tại số 273 Tây Sơn vốn là trụ sở chính của Công ty CP Hóa dược Việt Nam. Từ năm 2007, công ty này đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 388/HĐHTĐT với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - doanh nghiệp trực thuộc UBND TP Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp thương mại văn phòng số 273 Tây Sơn.

Hóa dược Việt Nam được đền bù hỗ trợ giá trị tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất để di chuyển địa điểm sản xuất sang cơ sở mới với số tiền là 23 tỷ đồng theo phương án hợp tác đầu tư. Song từ 31/12/2014 khi công ty nhận đủ số tiền, dự án này vẫn chưa có phê duyệt chính thức của cơ quan nhà nước.

Khu liên hợp văn phòng và trung tâm thương mại T&T được xây dựng trên khu đất 5.000m2. Được thẩm tra hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình bởi Trung tâm tư vấn thiết kế và xây dựng - Viện KHCN Xây dựng từ tháng 12/2016. 

Công trình gồm 1 khối tháp có chức năng chính là nhà trẻ, văn phòng, thương mại và căn hộ ở, gồm 35 tầng nổi, 1 tầng sân thượng, 2 tầng kỹ thuật và 5 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 76.210m2 (không bao gồm tầng hầm và tầng kỹ thuật, tầng mái).

Rác thải tràn ngập dưới chân rào tôn.
Rác thải tràn ngập dưới chân rào tôn.

Được biết trong năm 2022, dự án công trình cao ốc phức hợp đa năng T&T tại số 273 Tây Sơn nằm trong danh sách 33 tổ chức bị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai.  

Tại Hà Nội, trường hợp khu đất tại số 273 Tây Sơn nhiều năm không triển khai, gây lãng phí, mất quỹ quan đô thị không phải là duy nhất. Nhiều dự án có vị trí "đất vàng" tại các quận như: Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên... cũng đang trong tình trạng tương tự.

Có thể kể đến khu đất rộng 2,5ha của dự án Constrexim Complex của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) nằm ở nút giao Mai Dịch với 3 mặt tiền là đường vành đai 3 (Phạm Hùng), Cầu Giấy và Trần Quốc Vượng. Năm 2019, dự án này cấp tập giải phóng mặt bằng chợ tạm nông sản Dịch Vọng Hậu và bị bỏ hoang đến hiện tại.

Trong khi đó, được triển khai từ năm 2004, nhưng hiện tại khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đang trong tình trạng bị nhà đầu tư bỏ hoang. Tại đây không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng, xung quanh trở thành điểm tập kết phế liệu, rác thải.

Lỗi do đâu?

Những tác động tiêu cực của các dự án bỏ hoang, chậm triển khai trên địa bản Thủ đô thời gian qua đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý không phải là vấn đề đơn giản.

Một dự án bỏ hoang tại quận Long Biên.
Một dự án bỏ hoang tại quận Long Biên.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các chuyên gia nhìn nhận, là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án; đồng thời, chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng...

 

Về góc độ khoa học, công tác quy hoạch phải đi trước một bước và tầm nhìn dài hạn, chính vì thế nên việc nhiều diện tích đất quy hoạch chưa thể triển khai trong một thời gian dài cũng là điều dễ hiểu. Nên nếu vướng mắc do vấn đề này thì không phải là do doanh nghiệp, mà một phần do phía Nhà nước, cơ quan quản lý..." Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, bỏ hoang là sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, buông lỏng quản lý từ chính quyền, đặc biệt là vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình triển khai dự án.

Luật Đất đai 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được không nhiều.

"Nhà nước không thu được thuế, người dân mất tư liệu sản xuất mà chưa được bồi thường hoặc đã được bồi thường nhưng chưa thỏa đáng, nhiều DN muốn đầu tư nhưng cũng không còn quỹ đất để đầu tư mới” – ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Hy vọng cơ quan chức năng và các bên có liên quan sớm tìm ra giải pháp để khôi phục hoặc có phương hướng cải thiện cảnh quan khu đất này trả lại không gian thoáng đãng, sạch sẽ cho những người dân xung quanh.