Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay bảo tồn cây di sản - Bài 2: Nguy cơ mai một quần thể cây di sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 173 cây di sản.

Ít nhất 12 cây trong số này đã bị chết. Điều đáng lo ngại, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của cây di sản vẫn đang hiện hữu từng ngày.

Chết dần vì bàn tay con người

Nằm giữa làng Cát Ngòi (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức), cây đa tía với niên đại trên 600 năm tuổi đứng sừng sững như tô điểm thêm cho nét đặc trưng của miền quê xứ Đoài. Là một trong những quần thể đầu tiên được VACNE công nhận là cây di sản vào tháng 3/2013, tuy nhiên, cây đa tía này đang trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng. Có mặt tại ngôi làng trên, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh hàng quán, công trình phụ của người dân bủa vây xung quanh “lão cây”. Theo lời kể của một số vị cao niên trong làng, khoảng 20 năm trước, cây đa tía vẫn còn đủ 9 gốc. Tuy nhiên, trước tác động của thiên nhiên và con người, cây đa tía này hiện chỉ còn… 6 gốc. Tương tự, 8 trong tổng số 9 cây muỗm có niên đại trên 700 tuổi tại đền Voi Phục (quận Tây Hồ), được công nhận là cây di sản năm 2010 cũng đã bị chết héo và đang chờ được… đốn bỏ. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban Quản lý di tích đền Voi Phục là bởi tình trạng trùng tu ngôi đền cũng như quá trình xây dựng tràn lan của cụm dân cư lân cận đã vô tình kìm hãm sự phát triển của tầng rễ. Điều tương tự cũng xảy ra với cây bồ đề tại đình Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì). Ông Đỗ Văn Nhân - Thủ từ ngôi đình cho hay, từng có giai đoạn tại khu vực gốc cây bồ đề, không hiểu sao cơ quan chức năng địa phương cho láng xi măng phẳng lì (?!) Chỉ sau một thời gian ngắn, lá cây bồ đề bỗng dưng biến sắc và… rụng dần. Ông Nhân cùng nhiều người dân đã phải đấu tranh, đòi phá bỏ phần bê tông đè trên tầng rễ. Nhờ đó mà “lão cây” mới xanh tốt trở lại.

Cây đa tía ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) bị bủa vây bởi công trình dân sinh.      Ảnh: Trọng Tùng

Bên cạnh tác động của con người, một số cây cổ thụ cũng đang chết dần do tuổi tác và ảnh hưởng của thiên tai. Đơn cử như cây đa tía ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) bị gió quật đổ năm 2013, hay cây nhãn ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) bị sét đánh cháy. Theo nhận định của chuyên gia lâm sinh Lê Huy Cường - Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, rất nhiều cây cổ thụ trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung hiện đang bị nạn sâu bệnh hoành hành khiến thân cây bị mục rũa, cành cây lớn bị gãy rụng… Sự thiếu quan tâm, đầu tư chăm sóc khiến nhiều “lão cây” không thể qua khỏi. Dù vậy, trên cơ sở đánh giá sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo tồn cây di sản, ông Phùng Quang Chính - Phó trưởng ban truyền thông VACNE cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều quần thể cây di sản chết dần chủ yếu là do tác động (vô tình hoặc hữu ý) từ bàn tay kiến thiết của con người.

Bảo tồn theo kiểu… ngẫu hứng

Cây di sản đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, chết dần, tuy nhiên, việc bảo vệ những quần thể cây di sản này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban Quản lý di tích đền Voi Phục, thời gian trước, đơn vị đã huy động trong Nhân dân hơn 60 triệu đồng để thuê chuyên gia lâm sinh tới tìm giải pháp cứu chữa cho 8 cây di sản. Tuy nhiên, những “lão cây” này vẫn không thể qua khỏi. Hiện, đối với những cây muỗm đã chết, việc trồng mới, thay thế cũng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí để đánh gốc cây cũ đi nơi khác. Tương tự, tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn), cây đa ngự trước đình Thụy Hương cũng được người dân địa phương quan tâm, gìn giữ. Ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường cho biết, những năm qua, xã giao Ban quản lý di tích đình - đền Thụy Hương theo dõi sát diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc. Mới đây, địa phương đã huy động trong Nhân dân hàng chục triệu đồng để gia cố hệ thống rễ bảo vệ “lão cây”.

Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực “tự cứu” đơn lẻ của một bộ phận những người có trách nhiệm liên quan. Rất nhiều cây di sản trên địa bàn TP hiện chưa được quan tâm đúng mức. Bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin thị xã Sơn Tây - một trong những địa phương có nhiều cây di sản nhất của Hà Nội cho biết, cây di sản thường gắn liền với các di tích, bởi vậy thường do ban quản lý các di tích trực tiếp trông coi. Các phòng ban chuyên môn của thị xã chỉ có vai trò hỗ trợ khi cần thiết! Trao đổi với đại diện lãnh đạo một số phòng văn hóa - thông tin các địa phương có cây di sản được biết: Nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn quần thể có ý nghĩa lớn này gần như… không có. Chỉ khi những “lão cây” bị “bệnh”, đơn vị quản lý mới bắt đầu kêu gọi, huy động nguồn lực trong Nhân dân để cứu chữa.

Khảo sát thực tế cho thấy, mối quan tâm đối với việc bảo tồn cây di sản còn rất hạn chế, nhất là đối với những quần thể nằm ngoài phạm vi quản lý của các di tích lịch sử - văn hóa. Nỗi lo mất mát quần thể cây di sản đã không chỉ còn là nguy cơ.

(còn nữa)